Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Vancouver – mùa lá đỏ



      Tôi đến Vancouver vào một ngày mùa Thu dìu dịu, khi lá phong nhuộm đỏ khắp bầu trời. Bố mẹ nuôi nói rằng lúc tôi đến sân bay Jimmy sẽ ra đón. Jimmy là con trai độc nhất của họ nghĩa là em trai nuôi của tôi. Máy bay vừa hạ cánh, tôi kéo hành lý xuống, không quá khó để tôi nhận ra cậu nhóc đội mũ lưỡi trai, mặc y phục quân đội đang đứng ở một góc, mắt láo liên tìm kiếm. Cách đây ba năm, Jimmy chỉ là một thằng nhóc mặt búng ra sữa vậy mà giờ đây cậu lớn phổng, cao ráo, tay chân rắn chắc, ra dáng bậc trượng phu. Có lẽ do được rèn luyện trong môi trường quân đội.

        Lúc tôi lại gần, không đợi tôi nói gì, Jimmy hỏi ngay: - Chị đúng thật là Amber chứ?

       Amber là tên mà Jimmy đặt cho tôi. Cậu nói ra nước ngoài dù là du lịch hay du học đều cần có một cái tên tiếng Anh. Như vậy mới được xem là người có đẳng cấp. Nghe cậu nói thế, tôi chỉ cười. Tôi quý cái tên Amber không hẳn vì lòng tốt của Jimmy mà vì nó giống với tên của một nữ rapper tôi ái mộ.

      Tôi cốc đầu Jimmy: - Chỉ mới ba năm mà em đã quên mất gương mặt của chị rồi sao?

        - Trông chị khác xưa nhiều quá. -Jimmy khoanh tay nhìn tôi dò xét.

       Tôi thì thầm vào tai cậu. - Có phải trên rốn của em có xăm hình một chiếc lá phong?

        Ngay tức thì Jimmy ôm chầm lấy tôi, nhảy cẫng lên vui sướng. - Chị đúng là Amber rồi. - Trên rốn Jimmy có hình xăm lá phong mà ngoài tôi ra không một ai biết kể cả bố mẹ cậu. Họ cho rằng những đứa trẻ xăm hình là những đứa trẻ hư hỏng. Nhưng đối với Jimmy, điều này có ý nghĩa đặc biệt với cậu vì ngày lá phong chuyển sang màu đỏ ối rơi vương vãi khắp phố phường chính là ngày chào đời của cậu.

        Jimmy giúp tôi xách chiếc vali to kềnh càng tiến ra cửa sân bay bắt tàu điện ngầm về nhà cậu. Trên xe, tôi ngồi cạnh cửa sổ ở dãy ghế thứ năm. Những con đường, những toà nhà, những quán cà phê ngoài trời lần lượt lướt qua tầm mắt tôi. Thành phố vào thu, cây bắt đầu thay lá, khoác lên chiếc áo đỏ thắm. Từng chiếc lá rơi đều trong cơn gió nhẹ mơ màng. Vancouver đẹp tuyệt dịu như một bức tranh mà tôi đoán không có hoạ sĩ hay nhạc sĩ nào có thể tả hết vẻ đẹp của nó. Những hàng cây trải dài hai bên với sắc đỏ, vàng, nâu xen kẽ. Khi có gió, lá lìa cành bay lượn vài vòng rồi nằm nép mình bên vệ đường.

        Xe dừng ở bến, tôi và Jimmy đi bộ chầm chậm vào con phố nhỏ hẹp, dịu dàng và yên tĩnh đến lạ kỳ. Chỉ mất ít phút, ngôi nhà với cánh cổng bằng gỗ xinh đẹp hiện ra. Đó là nhà bố mẹ nuôi của tôi. Đã từng có một thời gian tôi sống ở đây, nó như là ngôi nhà thứ hai của tôi vậy. Nhác thấy tôi qua cửa sổ nhà bếp, mẹ nuôi vội vàng bước ra, ôm tôi một cái thân tình và nói câu “Chào con gái” bằng giọng Việt lơ lớ nhưng vô cùng dễ mến. Mẹ nuôi đang làm bánh vì tôi thấy hai bàn tay bà dính đầy bột mì.

         - Biết hôm nay con sang nên mẹ có làm những mẫu bánh ngon. Chỉ một lát là xong ngay. - Mẹ kéo tay tôi vào phòng khách, ấn tôi ngồi xuống chiếc ghế nệm êm ái. Bố nuôi từ ngoài vườn vào, đôi găng tay lấm lem bùn đất. Có lẽ ông vừa cắt cỏ xong. Bố đứng ở cửa, sừng sững như một quả núi, cười thật to khi biết tôi sẽ ở lại lâu thật lâu, cho đến hết khoá học. Bố nuôi có bộ râu dài xum xuê, vóc người cao lớn và chiếc bụng căng tròn. Tôi phải kiễng chân lên để thơm bố một cái ở má. Bố xoa đầu tôi, cười hà hà.

         Trong lúc đợi ăn bánh, tôi đem đồ đạc vào phòng. Jimmy thò đầu vào, xoè tay. - Ngày nào mẹ cũng bảo em quét dọn phòng ốc cho chị, trả thù lao đi chứ.

           Tôi đập tay Jimmy. - Sau khi xuất ngũ, em trở nên láu cá rồi đấy.

Jimmy nhún vai. - Em đã trưởng thành rồi mà, đâu còn là thằng nhóc Jimmy ngày xưa chị hay tét vào mông đâu chứ.

 Jimmy tuy nói năng khó nghe nhưng bụng dạ không xấu. Cậu thè lưỡi trêu tôi rồi khép cửa phòng lại cho tôi khoảng không gian tự do riêng. Mở khoá vali, tôi treo mấy bộ đồ vào tủ, đặt tấm ảnh gia đình ở góc học tập. Trong lúc sắp xếp, tấm thiệp sinh nhật rơi ra từ cuốn tiểu thuyết Rừng Nauy. Nỗi buồn mỏng manh len nhẹ nơi ngực trái. Bên trong có mấy dòng chữ Khánh viết. Ngày ấy, tôi là người Khánh thương nhưng bây giờ thì hết rồi. Người thương cũng có thể trở thành người lạ khi trong lòng vắng bóng nhau. Ngày đó, ngây thơ tôi cứ tin rằng hôm nay chúng tôi xa nhau thì ngày mai sẽ gặp lại thôi. Nhưng sự thật thì, cuộc đời quá rộng lớn, quá mênh mông, khi hai người quay lưng về hai hướng khác nhau, lời tạm biệt mà chúng tôi trao cho nhau và nói rằng sẽ tương ngộ đã hoá hư vô. Tạm biệt không phải để gặp lại. Tạm biệt chính là từ biệt.

Tôi cất tấm thiệp vào ngăn kéo. Những gì đã qua không nên nhớ nữa. Cuộc sống của tôi chỉ mới bắt đầu. Một trong những ước mơ lớn nhất đời tôi là có một tấm vé đến Vancouver, tản bộ dưới khung trời màu đỏ, một mình hoặc có ai đó cạnh bên thì sẽ càng tuyệt vời hơn. Nay ước mơ trở thành sự thật, chỉ còn đợi thời gian rảnh nữa thôi.

Sau bữa ăn, tôi xin phép bố mẹ nuôi cho tôi sơn sửa lại phòng. Dĩ nhiên là họ đồng ý. Tôi quét vôi bốn bức tường với màu nâu nhạt có chấm vàng chanh, vẽ vài đám mây biêng biếc. Sau đó cùng Jimmy ra ngoài vườn ôm một mớ lá phong khô làm thành chuông gió, treo trên cửa sổ. Có gió, có mây, có lá phong, căn phòng của tôi giờ đây thật sự ngập tràn sắc thu nồng nàn chẳng khác gì chốn thiên đường.

***

Sáng. Tôi dậy thật sớm, vô cùng háo hức vì hôm nay là buổi học đầu tiên. Tôi vẫn luôn thích lễ khai giảng hơn là bế giảng vì đó là ngày đầu tiên của sự khởi đầu.

Trong lúc bố và Jimmy đánh răng, mẹ chuẩn bị sandwich kẹp thịt xông khói, món mà tôi thích nhất. Bữa ăn sáng ngày tựu trường còn có poutine và không thể thiếu món bánh tuyệt ngon của xứ sở lá phong là bánh tart bơ. Vỏ bánh xốp giòn hoà cùng vị nhân béo ngậy kết hợp giữa bơ, đường và trứng. Bố bước xuống nhấp một ngụm cà phê do tôi pha. Bố bảo cà phê hơi nhạt. Tôi xụ mặt. Bố an ủi: - Có nhiều điều con làm còn tuyệt hơn cả việc pha cà phê.  Lời động viên khích lệ của bố làm tôi tươi tỉnh lên được đôi chút.

Ăn xong,tôi cùng Jimmy ra gara. Cậu mới tập lái nên lái rất chậm. Nhìn giá vẽ ở ghế phía sau, tôi hỏi. - Chị nhớ hồi nhỏ em ghét vẽ lắm mà.

- Đó là chuyện lúc nhỏ, giờ em lớn rồi. Thời gian khiến người ta thay đổi chị ạ! - Thảo nào Jimmy khác xa hồi xưa rất nhiều.

- Chẳng phải em theo học ở trường Fairleigh Dickinson sao?

- Vâng, em học vẽ của lớp anh Peter.

- Peter?

- Anh ấy là hoạ sĩ nổi tiếng, vẽ đủ thể loại. Một bức vẽ của anh ấy có thể mua được một chiếc xe hơi.

- Wow. - Tôi thốt lên đầy vẻ kinh ngạc. - Hôm nào chị phải diện kiến con người tài hoa này mới được.

- Không thành vấn đề, cuối tuần em sẽ dẫn chị đi gặp anh Peter.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài nên hoàn toàn không cảm thấy lạ lẫm hay lạc lõng. Nhưng vẫn có một số tuyến đường như từ nhà đến trường hay đường đến phố Robson vì tôi không muốn cứ phải làm phiền Jimmy đưa đón mỗi khi tôi có việc. Đối với một số du học sinh khác, cô đơn nơi xứ người nhưng tôi thì khác. Bên cạnh tôi còn có gia đình Jimmy, họ rất tốt với tôi, giúp đỡ tôi rất nhiều.

Tôi nhanh chóng kết bạn, quen dần với những cuộc nói chuyện, những cuộc cãi vã nảy lửa nhưng không dẫn đến xô xát. Giờ học, giảng viên và sinh viên có thể đàm thoại với nhau về một vấn đề nào đấy. Phương pháp học ở nước ngoài không giống như ở Việt Nam, cô đọc trò chép. Ai cũng có quyền phát biểu ý kiến cá nhân. Đó là điều tôi cần học hỏi, học cách thể hiện bản thân và bảo vệ lập luận của mình, học cách kiềm chế mỗi khi có ai đó phê bình rằng, chính kiến của bạn hoàn toàn không phù hợp, học cách lắng nghe suy nghĩ của người khác… Có nhiều lúc tôi cảm thấy những tranh luận ấy sao mà chán ngắt, chẳng đâu ra đâu thậm chí tôi còn không hiểu chúng nó đang nói gì.

Tôi về nhà với tâm trạng mệt mỏi. Cuộc sống sinh viên không giống như thời đi học, vô ưu vô lo, thích khóc thì khóc, thích cười thì cười, chẳng có điều gì để phiền muộn cả. Thì ra khi rời xa tổ ấm, dòng đời thật lắm chông gai.

- Con không được khoẻ à? - Mẹ vào phòng từ lúc nào, đang ngồi cạnh giường tôi.

Tôi bật dậy, lắc đầu rồi kể cho mẹ nghe những chuyện xảy ra ở lớp, tôi không thể tìm thấy chút hưng phấn trong những cuộc tranh luận giữa họ: - Các bạn ấy thoải mái đứng lên trình bày quan điểm của mình, còn con thì không. Hình như con sắp nản rồi ạ!

- Lúc đầu ai cũng than khó khăn, thậm chí bỏ cuộc, không muốn bước tiếp nữa. Nhưng chính những khó khăn đó sẽ giúp đôi chân con vững vàng hơn trên chặng đường sau này. - Mẹ tôi nói vậy.

Như sực nhớ ra điều gì, tôi bước lại bàn, lôi quyển sổ mà Khánh tặng ngày chúng tôi mới yêu nhau, viết vào đấy những lời răn dạy của người đi trước. Tôi viết rất nhanh như sợ các con chữ biến mất, như sợ bao lời hay ý đẹp vụt tan và luôn tự nhủ rằng không được để trí óc có ý nghĩ buông xuôi. Vì tuổi trẻ, ai cũng cần va vấp.

Ngày tháng lẳng lặng trôi đi. Bên ngoài cửa lớp, lá phong phủ đầy sân. Tôi bước trên thảm lá dày như tấm nệm ấy, gót giày giẫm trên lá phát ra những âm thanh lạo xạo dưới chân. Tôi ngửa mặt đón lấy từng vạt nắng hanh hao, tựa hồ để nắng sưởi ấm trái tim lạnh lẽo của mình kể từ khi sang Vancouver. Nhủ lòng rằng nên quên đi nhưng lòng tôi cứ xốn xang mỗi khi nghĩ về Khánh. Trong cuộc sống này, niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì nhiều, nhiều như cả cánh rừng phong dày đặc, tìm một chiếc lá thuộc về mình, thật khó. Đôi lần ngồi chống cằm bên cửa sổ, tôi vẫn luôn tự hỏi rốt cuộc mình đã trưởng thành hay chưa mà sao cứ giữ mãi trong tim những thứ mơ hồ, xa xôi. Ví như tình cảm của Khánh, thứ tình cảm mà cậu đã lãng quên từ lâu.

***

Như đã hẹn, cuối tuần Jimmy dẫn tôi đi đến lớp học vẽ của anh Peter. Nói là lớp học thật ra chỉ là một mảnh vườn xanh lá be bé nhưng thoáng đãng. Lối vào rải sỏi đá ngũ sắc. Trồng hoa three-leaf-clover, canola và phong lan xung quanh. Những cánh hoa trắng, tím, hồng bay chấp chới trong gió. Có chiếc xích đu được đặt gần mấy bụi hồng. Một nơi tuyệt vời để vẽ tranh. Từ xa tôi trông thấy một bóng dáng cao to, bộ quần áo mặc trên người đã cũ đang đứng xoay lưng về phía tôi, bàn tay cầm cọ lướt nhanh trên bảng vẽ.

Jimmy bước tới, cất tiếng chào: - Anh Peter.

Tôi bước sau lưng cậu. Peter xoay người lại, tôi mỉm cười đáp lễ. Jimmy giới thiệu tôi là chị gái nuôi của cậu và tôi đến đây để du học. Peter chìa tay ra bắt tay tôi: - Rất vui được biết em. - Giọng anh ấm quá.

Được sự cho phép của Peter, tôi ngồi trên xích đu xem những bức tranh anh vẽ trong khi Jimmy chơi cùng chú chó Haric. Anh vẽ đủ thể loại: tĩnh vật, phong cảnh, chân dung… màu sắc hài hoà, tinh tế. Giữa không gian yên ắng bỗng vang lên tiếng động cực mạnh. Cánh cửa thông ra khu vườn bị bật tung, xuất hiện một người đàn ông trung niên, tay cầm chai rượu, loạng choạng bước ra. Peter gọi ông ta là bố. Anh chạy ngay đến đỡ lấy bố mình. Ông vùng tay ra, tuôn một tràng như pháo nổ. Tôi nghe được vài câu, đại loại như: - Đừng giả vờ tốt với tao, mày không phải con tao. Suốt ngày chỉ biết vẽ.

Dứt lời ông lấy hết những bức tranh của Peter, xé nát rồi lảo đảo quay vào nhà. Peter quỳ gối bên những mảnh vụn, gương mặt đầy vẻ đau khổ.

- Chuyện là thế nào vậy, Jimmy? - Tôi hỏi khi chúng tôi đang đi trên đường Cambie.

- Người đàn ông đó chỉ là bố dượng của anh Peter thôi, ông rất ghét anh vẽ tranh, đây không phải là lần đầu tiên ông xé tranh của anh ấy.

- Một bức vẽ có thể mua một chiếc xe hơi vậy sao cách ăn mặc của anh ấy và cả ngôi nhà… ý chị là… chị thắc mắc… với một hoạ sĩ tài giỏi như vậy, anh ấy có thể tậu được căn biệt thự luôn ấy chứ? - Tôi nhíu mày.

Jimmy so vai. - Dễ hiểu thôi, vì ông bố dượng đã lấy hết tiền bán tranh của anh Peter để mua rượu, nếu không ông ta sẽ không cho anh tiếp tục vẽ. Để duy trì đam mê, anh buộc phải nghe theo.

- Anh Peter đáp ứng điều kiện của bố mình sao ông ta còn xé tranh của anh làm gì?

- Đôi lúc ông ta nổi điên, ông ta có thể làm bất cứ thứ gì mà ông ta muốn, chẳng có ai kiểm soát được con người bệnh hoạn này.

- Thật khiếp sợ. - Tôi rùng mình.

Ngang qua khu thương mại Pacific Centre, tôi đề nghị với Jimmy mua cọ và màu sơn cho anh Peter vì khi nãy người bố say xỉn đã ném hết rồi còn gì. Jimmy gật gù: - Em nghĩ chị nói đúng. - Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện về cùng một người.

- Anh Peter ở chung với người bố dượng ấy đúng thật là bất hạnh.

- Nhưng anh ấy cũng thật dũng cảm. Anh Peter yêu hoà bình, trẻ nhỏ và luôn sống cho người khác. Số tiền bán được từ các bức tranh, anh chỉ đưa cho bố mình một nữa phần còn lại anh làm từ thiện. Cách đây mấy tháng, anh còn lập quỹ Hoà Bình Xanh kêu gọi mọi người chung tay vì các nạn nhân chất độc màu da cam, nạn nhân nghèo khổ và phản đối chiến dịch săn bắt cá voi. Mục đích của Hoà Bình Xanh chính là để bảo đảm khả năng của trái đất để muôn loài có thể phát triển tốt đẹp, vì một tương lai ‘xanh’ và vì hoà bình.

Tôi cầm một nắm cọ lên và hỏi Jimmy. - Chúng ta nên chọn loại cọ nào?

- Nên chọn hiệu Uncle Bills.

Chọn xong, chúng tôi đem tới quầy thanh toán, bảo nhân viên gói lại. Mấy ngày sau khi việc học đã phần nào ổn định, tôi đem món quà tới nhà Peter nhưng không thấy anh, chỉ có bố dượng anh đang ngồi ở thềm cửa vừa uống rượu vừa hát inh ỏi. Tôi không gửi những món đồ tôi định tặng cho Peter ở chỗ bố dượng vì thể nào ông ta cũng đem vứt đi đành ra về.

Tôi đi loanh quanh các ngõ phố. Cuộc sống người dân ở Vancouver hối hả và nhộn nhịp, bất kể ngày hay đêm, đường phố lúc nào cũng đông đúc. Lá phong bay lả tả. Ánh nắng đan xen trong các tàn lá tạo nên một cảnh quang lá vàng rực rỡ. Tôi tình cờ gặp Peter ngay tại quãng trường Robson. Anh đang cho chim bồ câu ăn vụn bánh mì: - Chào anh Peter, anh nhận ra em chứ? - Tôi bước đến và nói một cách tự nhiên.

Peter vỗ trán: - À, em là chị của Jimmy. Để em chứng kiến chuyện bố anh…, anh thấy ngại quá.

- Em không để bụng đâu. Em có nghe Jimmy kể nhiều về anh. - Tôi ngồi xuồng bậc thềm.

- Kể sao?

- Anh là một người yêu hoà bình.

Peter ngẩng nhìn mây. - Một đất nước hoà bình, không chiến tranh, không bạo lực, mọi người no ấm, đủ đầy. Đó là điều anh luôn mong ước.

- Sao anh không nghĩ cho mình chẳng hạn như mở phòng triển lãm tranh, như vậy công việc của anh sẽ thuận lợi hơn nhiều.

- Tại sao lại dùng những đồng tiền vào lợi ích cá nhân trong khi thế giới còn biết bao người đói nghèo. Với anh được vẽ là một niềm hạnh phúc, cần gì phải cố gắng leo đến đỉnh vinh quang. Ước mơ nhất định phải đạt được sao? - Anh ném mẩu bánh mì cho chú chim ở xa.

- Niềm hạnh phúc đó chơi vơi lắm đúng không anh? - Tôi nói thật nhỏ nhưng anh vẫn nghe thấy.

- Em biết hết rồi à?

- Dạ, Jimmy đã kể. - Nhớ tới mục đích tìm Peter, tôi chìa hộp quà về phía anh. - Em tặng anh đó.

Peter mở ra xem. - Em làm vậy anh cảm thấy áy náy.

- Anh giúp người khác, em giúp lại anh. Chỉ có vài cây cọ và màu sơn, không đắt lắm đâu. Nếu anh thấy ngại thì vẽ tặng em một bức tranh đi.

- Thôi được, vậy anh sẽ coi như là lời cảm ơn. - Peter cười hiền.

Mùa thu ở Vancouver sao mà đẹp và dịu dàng đến thế.

***

Tớ từng nghĩ khi chia tay cậu, tớ sẽ buồn, thật buồn tới mức thờ ơ với cuộc sống này. Nhưng từ khi sang Vancouver, môi trường mới, lối sống mới, gặp được anh Peter, tớ bỗng nhiên hiểu ra có những thứ tớ nghĩ về nhiều hơn là buồn vì cậu hoài. Một trong những thứ ấy chính là con đường tớ đang đi và tớ sẽ cố gắng khiến con đường nở hoa bằng chính sự nổ lực của mình.

Gập sổ lại, tôi thay đồng phục để tới trường. Hôm nay lớp tôi có buổi thảo luận ngoại khoá về chủ đề Những nấc thang hạnh phúc. Chủ đề rất hay, tôi chuẩn bị rất kĩ, tâm trạng vô cùng phấn khích, lần đầu tiên tôi thấy việc đi học thật sự thú vị và tôi không muốn mình đến trễ tẹo nào.

Từng sinh viên đứng lên trình bày quan điểm cá nhân. Lớp học sôi nổi, ai cũng hào hứng tranh nhau để được diễn thuyết. Rồi cũng đến lượt tôi, nhớ lại lời căn dặn của mẹ nuôi hôm nào và câu chuyện xúc động của anh Peter, tôi nói một cách trơn tru, rõ ràng, mạch lạc gần một tiếng đồng hồ. Không ai xen vào trong lúc tôi đang thuyết trình. Khi tôi chấm hết, mọi người vỗ tay ào ào. Giảng viên khen ngợi tôi hết lời. Tôi cảm thấy vui vì bản thân đã làm được, tự thưởng cho mình chiếc bánh su que ở tiệm bánh ngọt đối diện trường và coi đó là ‘chiến công’ đầu tiên đầy tự hào kể từ khi tôi đặt chân đến xứ sở lá phong.

Dĩ nhiên tôi không quên chia sẻ niềm vui với bố mẹ nuôi, với Jimmy và với cả anh Peter. Anh hỏi tôi. - Vậy em định nghĩa thế nào là hạnh phúc?

- Là được nhìn thấy nụ cười của những người thân yêu bên cạnh mình.

Nhìn bảng băng rôn có đề dòng chữ Hoà Bình Xanh to đùng được vẽ cầu kỳ và bắt mắt, bên dưới còn có câu Vì một thế giới hoà bình được viết bằng chữ in nghiêng, tôi hỏi: - Cái đó dùng làm gì vậy anh?

- À, anh định ra ngã tư kêu gọi mọi người cùng tham gia.

- Thời đại Internet lên ngôi, sao anh không đăng lên mạng, chia sẻ với mọi người, làm vậy sẽ nhanh hơn.

- Nếu tự tay anh thực hiện thì sẽ có ý nghĩa hơn.

Chỉ sau một ngày, đông đảo mọi người ghi danh vào tổ chức Hoà Bình Xanh, góp phần dù là ít ỏi vào những công việc mang tính nhân văn. Tôi nghĩ nếu ai cũng như Peter, thế giới sẽ không còn chiến tranh, bạo lực.

Kỳ nghỉ đông, tôi học lái xe ô tô. Jimmy dạy tôi. Thật ra tôi vẫn chưa có bằng xe máy nhưng thôi kệ, tôi thích lái ô tô hơn. Khi đã thành thục, tôi tự lái đi đến những điểm du lịch của Vancouver. Tôi cũng bắt đầu ghi chép lại những chuyến trải nghiệm của mình, những điều học từ trường lớp và từ cuộc đời trong cuốn sổ Khánh tặng. Nó được xem như là một kỷ niệm êm đẹp giữa tôi với cậu. Kỷ niệm không có lỗi nên tôi chẳng có lý do gì để vứt đi cả. Có thể Khánh vẫn ở đâu đó trong một góc trái tim nhưng tôi không còn nhớ nhiều về cậu nữa. Vị trí ấy đã có một người khác thay thế.

Đôi lúc tôi ngồi thẩn thờ bên cửa sổ, cười vu vơ. Mẹ nuôi tưởng tôi nhớ nhà nên thường xuyên rủ tôi đi mua sắm, dạy tôi cách làm bánh và những món ăn ngày Tết truyền thống ở gia đình họ. Rảnh rồi, tôi hay đến Robson Square cho bồ câu ăn và gặp Peter. Thi thoảng anh vẽ tranh ở đó. Tôi đoán có lẽ anh sợ bố mình về bất chợt trong khi anh đang vẽ.

Sắp tới vào lễ Giáng Sinh, Peter có ý định đến thăm một đứa trẻ tàn tật ở phố Gastown. Tôi đề nghị đi chung và anh đồng ý. Chúng tôi đi bằng xe máy. Trên đường về, ngồi sau lưng anh, tôi ngắm nhìn mùa đông đang trôi qua một cách lặng lẽ. Peter lái xe chầm chậm, anh nghiêng đầu nói với tôi. - Thật ra thì anh thích mùa thu hơn.

- Em cũng vậy. - Tôi đáp và ước gì mình có thể giấu mùa thu trong túi áo để lấy ra ném vào không gian bất cứ lúc nào.

Tuổi 20, tôi biết chia sẻ, cảm thông với những số phận khốn khổ.

Tuổi 20, tôi mạnh dạn bước đi trên những vùng đất mới, ghi dấu thanh xuân, gặp gỡ những con người xa lạ và làm những việc mình chưa từng làm.

Tuổi 20 của tôi như mùa thu rạng rỡ. Thích thì theo đuổi. Có thì giữ lấy. Qua rồi thì quên đi.

***

Tôi đã phải lòng Vancouver mất rồi.

Vancouver bước vào mùa lá đỏ. Hai năm đã trôi qua, cảm xúc ngày ấy vẫn vẹn nguyên trong tôi như thuở ban đầu, ôm trọn nỗi nhớ tôi về một thành phố hiện đại, náo nhiệt nhưng vô cùng hiền hoà và ấm áp.

Chiều yên ả, tôi ngồi dưới gốc cây phong đọc một quyển sách. Lá phủ trên đầu, xoè rộng. Peter vẽ tranh gần đấy. Dưới lối đi, thảm lá phong dày và êm như một tấm nệm. Cứ cách mười phút, tôi lại rời mắt khỏi trang sách hỏi Peter đã vẽ xong chưa. Lần nào anh cũng nói. - Sắp xong rồi.

Tôi lập úp quyển sách để lên gối mình, ngẩng đầu nhìn xa xăm. Những mùa thu ở Vancouver dạy tôi cách đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, dạy tôi quên đi những điều không đáng nhớ, dạy tôi cách sống tự lập nơi xứ người.

Ngày nối ngày, tháng nối tháng, tôi đã khôn lớn, chín chắn hơn xưa rất nhiều.

Những dòng nhật ký đượm buồn trong quyển sổ Khánh tặng, tôi lấy một mảnh giấy khác dán đè lên, tôi viết về chính tôi, về những điều mới mẻ đang chờ tôi phía trước, về những chuyến đi, những việc làm thiện nguyện cùng với Peter và về những mùa lá phong sau này.

Bức tranh mà Peter vẽ tặng tôi có tên là Vancouver – mùa lá đỏ và những yêu thương chưa nói nên lời.

Trong cuộc đời, tìm được hạnh phúc cho chính mình, đó mới thật sự là kết thúc vui vẻ nhất!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét