Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Lá thư cảm ơn thanh xuân

 


(Bài đăng trên Mực Tím 20)


Trong lúc dọn dẹp, tôi tình cờ tìm được chiếc hộp gỗ nhỏ xinh ở dưới đáy rương. Bề mặt chiếc hộp được phủ một lớp bụi bẩn, tôi thổi chúng đi và mở ra. Bên trong có vài cánh hoa khô, vài tấm thiệp cũ và một bức thư, giấy đã ố vàng nhưng vẫn còn đọc được. Hoá ra đây là bức thư tôi của năm 18 tuổi viết cho tôi của 25 tuổi. Nét chữ non nớt, giọng điệu trẻ con bắt chước người lớn, những lời hứa, những kế hoạch khi ấy tôi đặt ra… tất cả đều nằm trong lá thư này. Nếu tôi nhớ không lầm thì thời gian tôi viết thư gửi chính mình là lúc tôi đang ôn thi cuối cấp. Vì áp lực thi cử nên tôi đã viết thư tự động viên bản thân. Lúc ấy tôi đặt ra cho mình những mục tiêu phấn đấu, 7 năm sau sẽ đạt được những thành công gì, hạnh phúc ra sao, tình yêu có viên mãn… Tôi cũng không quên nhắc nhở mình ở thời điểm đó phải không ngừng cố gắng, vì cuộc sống, vì tương lai hãy mạnh mẽ, vững bước. Hiện tại thì tôi đã thực hiện được một phần ba những mong muốn như trong lá thư. Mặc dù không thể đi đúng con đường mà ngày ấy đã chọn nhưng tôi vẫn vui, hài lòng với những gì mình đang có. Nghĩ ngợi lan man, tôi quyết định cầm bút lên viết ngay một lá thư cảm ơn thanh xuân năm ấy.

Chào cậu-cô gái tuổi 18 tràn đầy sức sống. Tớ là cậu của bảy năm sau đây-cô gái tuổi 25 đã trưởng thành. Hôm nay, giữa mùa hạ rực nắng, tớ viết lá thư này để nói với cậu vài điều. Đầu tiên thật lòng cảm ơn cậu, nhờ tính bướng bỉnh, cố chấp của cậu, quyết không bỏ cuộc giữa chừng mà tớ có được ngày hôm nay. Cảm ơn cậu-từng một thời cuồng nhiệt, mệt mỏi và cả những phút trốn chạy. Những điều đó đã làm nên một bức tranh thanh xuân thật ly kỳ. Chúng ta của hồi đó sở hữu những buổi sáng trong lành, những buồi chiều lướt thướt mưa bay, những đêm tối ngắm sao trên trời, vô tư biết bao và cũng không kém phần đau đớn. Tớ nhớ khi chỉ còn cách kỳ thi tốt nghiệp nửa tháng, dường như cậu có chuyện gì đó, cứ im lặng mãi. Có lẽ cậu căng thẳng vì áp lực học hành.  Tớ còn tưởng cậu mắc bệnh trầm cảm. Suýt chút nữa thì tớ đã không ngồi đây viết thư cảm ơn cậu rồi. Cậu mạnh mẽ lắm, vô cùng biết ơn cậu đã kiên trì và cố gắng đến phút giây cuối cùng.

Cảm ơn và… cũng xin lỗi cậu. Xin lỗi vì tớ không thể thực hiện giấc mơ mà cậu ấp ủ biết bao nhiêu năm. Tớ nhớ mỗi lần cậu nói về ước mơ ấy, ánh mắt đong đầy hạnh phúc. Đôi mắt cậu sáng ngời khi kể nó ra với bạn bè, người thân. Cậu mong chờ lắm đúng không? Nhưng tớ đã không làm được. Xin lỗi cậu. Tớ day dứt. Tớ áy náy. Tớ đã từng ôm lấy giấc mộng đẹp đẽ của cậu bước qua những tháng ngày chênh vênh. Nhưng cậu à, cuộc đời không ai đoán trước được điều gì. Cuộc sống vốn dĩ không công bằng. Có được thứ này thì phải đánh mất thứ kia. Một thời gian rất dài, tớ lạc lối, tớ vấp ngã, tớ khoá chặt cánh cửa trái tim và khóc trong nỗi cô đơn vì tớ không biết mình nên làm gì. Tiếp tục theo đuổi đam mê để tớ và cậu đều vui hay chọn một hướng đi để ba mẹ tự hào? Ở giữa dòng người ngược xuôi, tớ ngước nhìn bầu trời xa xăm. Và tớ đã có câu trả lời cho riêng mình. Vứt bỏ quá khứ sau lưng, mở ra một trang mới cho tương lai.

Cậu của năm ấy vô ưu vô lo, không toan tính, không muộn phiền. Nhưng tớ của hiện tại thì lại có quá nhiều chuyện phải để tâm, phải suy nghĩ, phải bận lòng. Tớ sống phải có trách nhiệm với gia đình nên tớ không thể ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân. Cậu cũng đừng buồn nhé, bây giờ tớ đang đi trên con đường khác với giấc mơ của cậu ngày ấy. Nó thật sự rất tốt. Có thể cậu không hài lòng nhưng tớ sẽ không khiến cậu thất vọng đâu. Hãy tin tưởng tớ nhé.

Và dù, cậu của quá khứ hay tớ của tương lai thì mọi chuyện của chúng ta hiện đang tốt đẹp. Tất cả đều đi đúng quỹ đạo của nó. Bản thân tớ của năm 25 tuổi rất tuyệt vời. Nhưng tớ không quên những buồn bã nơi ấy, những nỗi buồn của cậu khiến tớ rơi lệ. Tớ hứa sẽ đưa những giọt nước mắt đó vào trong hồi ức. Đầu mùa hạ năm ấy cũng là thời điểm này, tớ nhìn lại những gì mình đã trải qua và những thứ mình đạt được, một phần đều nhờ sự kiên cường của cậu.

Cậu còn nhớ không, người bạn năm ấy mà cậu thích? Giờ cậu ấy thế nào rồi nhỉ? Tớ không còn liên lạc với cậu ấy nữa, không thể quay lại được nữa, chỉ có thể vượt qua hiện tại mà thôi. Đôi lần, tớ đi đến những nơi tớ và cậu ấy từng đi qua. Những kỷ niệm cứ ùa về làm tớ nghẹn ngào. Tớ nghĩ chắc cậu ấy cũng đã có lối đi thuộc về mình rồi. Tớ hy vọng nơi ấy sẽ có ánh sáng của niềm hạnh phúc. Cậu cũng mong vậy, phải không?

Cậu của tuổi 18 ơi, hãy là cô gái thiếu niên năm nào theo đuổi ước mơ, để mỗi ngày lại thêm bừng sáng. Hãy sống vui trọn vẹn hết những năm tháng thanh xuân ấy. Trưởng thành rồi, tớ cũng đã quên mất một thời mình từng điên cuồng vì thần tượng ra sao. Cậu hãy thay tớ làm điều đó nhé, thay tớ tận hưởng hết mọi ý niệm tươi đẹp có trong lứa tuổi tuyệt vời nhất cuộc đời.

Cô gái của tuổi 25 ơi, trên thế giới này có một tương lai gọi là Ngày Mai. Ươm mầm những hạt giống nhỏ bé thành đoá hoa rạng rỡ. Nếu có thể tìm ra được lí do khiến cuộc sống tràn ngập niềm vui, thì nhất định cậu phải vượt qua chính mình của ngày hôm qua. Làm tốt những việc ở hiện tại. Con đường cậu đi còn rất dài, còn lắm gian nan, hãy giữ vững bàn chân và trái tim căng tràn nhiệt huyết để bước tiếp nhé!

Cuộc sống đắng cay hay ngọt ngào thì giờ đây cậu vẫn đang sống đấy thôi. Vì mọi thứ trên đời này đều mang một ý nghĩa nào đó. Đừng khóc, đừng từ bỏ, đừng sợ hãi. Những lúc cảm thấy bản thân như tan biến, hãy đặt hết niềm tin vào chính mình. Tuy không thể trốn thoát khỏi nỗi đau nhưng chúng ta có thể bước qua nỗi đau.

Thanh xuân ấy, dẫu cho bao ngày tháng trôi qua, dù trưởng thành hay già đi vẫn không quên trái tim nhiệt huyết thuở đầu. Nơi cuối nỗi buồn sẽ có thứ gọi là kỳ tích, là chờ đợi. Tớ hứa sẽ cùng cậu tô vẽ cho thế giới của chúng ta bằng sự kiên trì và khổ luyện.

Tái bút.

Ngoài khung cửa sổ ươm vàng nắng hạ. Gió thoảng lướt qua mái tóc. Lá thư trên tay tôi cũng vì cơn gió mà nhẹ nhàng lay động. Tuổi trẻ của chúng ta đã đẹp vô cùng, sẽ không vì câu trưởng thành mà xoá hết. Giữ vững trái tim nồng nhiệt ban đầu. Nguyện cùng cậu trở thành một TÔI tuyệt vời nhất, tốt đẹp nhất cho những tháng năm về sau.

Cảm ơn cậu-cô gái thiếu niên 18.

Ký ức mùa hoa gạo



 

Từ đầu hẻm tôi đã ngửi thấy mùi hương thoang thoảng của hoa gạo. Bao mùa trăng tròn-khuyết, mưa-nắng, cây hoa vẫn đứng sừng sững giữa trời. Những cánh hoa trải khắp ngõ phố, vỉa hè tạo thành một tấm thảm hoa đỏ rực vô cùng đẹp mắt và lãng mạn. Sắc đỏ dịu êm ánh lên trong nắng khiến lòng tôi mang nhiều cảm xúc bâng khuâng. Xốc ba lô trên vai, tôi chậm rãi bước, tránh giẫm lên những bông hoa dưới gót chân. Hằng năm, khi tháng ba về, hoa gạo lả lướt theo gió rụng xuống đầy đường, không phải màu tím thuỷ chung của bằng lăng cũng không vàng rực chói chang như hoàng điệp, hoa gạo mộc mạc, dân dã gợi nhiều cảm xúc lắng đọng về thời gian và dĩ vãng.

Tôi xa nhà đã ba năm rồi, nay xuất ngũ trở về, cảnh vật quê nhà vẫn không có gì thay đổi. Vẫn là con ngõ cổ kính rụng đầy hoa gạo khi xuân sang, vẫn là con đường lát gạch bát tràng, vẫn là những bức tường loang lổ phủ đầy rêu. Bây giờ là buổi chiều, ánh nắng hanh hao xuyên qua vòm cây nhảy nhót theo hướng gió. Mùi lá non xanh rờn, mùi hương nồng đượm phảng phất trong không khí.

Tôi thường mơ thấy cỗ máy thời gian. Trong giấc mơ, nó không hề quay trở lại. Mà bay đi rất cao, rất xa. Lắm lúc, giây phút tôi tỉnh táo, tôi vẫn cứ nhìn mãi vào không trung. Cứ cho rằng nó sẽ xuất hiện mang tôi trở về ngày xưa đó, ngày tôi và Nhi lang thang nhặt hoa ép khô, ngày mà chúng tôi vô tư tắm mưa cùng nhau, ngày mà chúng tôi chơi trò cô dâu chú rể và hứa chừng nào lớn lên sẽ lấy nhau. Ngày ấy còn đâu? Và Nhi… ở đâu?

Nhi là hàng xóm của tôi. Cây hoa nằm giữa cổng rào nhà tôi và nhà Nhi nên có lần hai đứa cãi nhau ỏm tõi chỉ vì phân định cây hoa thuộc về nhà nào. Không ai chịu thua ai, ai cũng muốn giành phần thắng về phía mình. Cuối cùng, Nhi bảo đợi khi hoa rụng xem thử hoa bay về phía nào thì cây hoa thuộc về người ấy. Tôi để ý và thấy lần nào gió cũng thổi những cánh hoa bay về phía nhà Nhi nhiều hơn. Được dịp, Nhi chống nạnh, phồng má bảo tôi thua rồi nhé. Tôi là con trai, không thèm chấp nhất chuyện nhỏ nhặt. Sau lần ấy chúng tôi vẫn thân thiết như xưa. Chẳng biết từ bao giờ nụ cười của Nhi cùng những bông hoa đỏ thắm in đậm trong tâm trí tôi. Có lúc trong giấc ngủ tôi mơ thấy Nhi đứng dang tay xoay tròn ngửa cổ đón những cánh hoa rớt xuống bờ môi mình. Hoa rơi trên tóc, trên vai Nhi. Cảnh tượng ấy tựa như một bức tranh mỹ lệ.

Ngang qua nhà Nhi, tôi nhìn vào. Nơi ô cửa ươm nắng và lộng gió, Nhi vẫn thường vẫy tay chào mỗi khi trông thấy tôi đạp xe qua. Ảo ảnh làm mắt tôi nhoà đi. Khung cửa vắng hoe. Nắng cũng hư ảo, buồn man mác.

Đẩy nhẹ cánh cửa rào bằng gỗ mà nó vẫn kêu cót két, tôi bước vào trong sân, cởi dép để ngoài và đi chân trần lên từng bậc tâm cấp. Nhà cửa yên ắng quá, không một tiếng động ngoại trừ tiếng gió rì rào trong các lùm cây. Tôi đặt ba lô xuống tràng kỷ, ngó quanh. Mọi vật dụng trong nhà vẫn để ở vị trí cũ, đều do một tay tôi sắp xếp. Tôi ghét sự thay đổi. Từ ngày ấy cho đến tận hôm nay, những cây nến vẫn nằm yên ở bậu cửa sổ. Những tờ tạp chí vẫn đặt ở một góc trên chiếc bàn con chỉ khác một điều chúng bám đầy bụi. Tôi cầm một quyển lên, thổi mạnh. Bụi bay tứ tung. Khoảnh khắc ấy tôi có cảm giác những hạt bụi kia như những tia nắng lấp loá.

Tôi cất tiếng gọi mẹ nhưng người chào mừng tôi trở về không phải là bà mà là con mèo lông xám tôi nuôi khi còn có Nhi. Con mèo nay đã già lắm rồi, không còn đủ sức để mà leo trèo nữa. Nó dụi đầu vào chân tôi, y hệt ngày trước. Tôi cúi xuống bế nó lên, vuốt ve. Ba năm, chỉ có nó vẫn ở bên tôi, chỉ có nó là không quên tôi. Còn người tôi mong ngóng, muốn nghe một tiếng cười giòn tan, muốn nghe một giọng nói lanh lảnh mà chẳng thấy đâu. Nếu Nhi còn ở con phố này, biết tôi về chắc chắn Nhi sẽ qua thăm ngay, nhà hai đứa sát cạnh nhau cơ mà với lại Nhi chiều nào cũng ngồi ban công đọc sách lẽ nào không thấy tôi từ ngoài ngõ vào…

Tôi bước ra vườn thấy mẹ đang loay hoay tưới rau. Từ ngày tôi đi cả vườn rau vẫn xanh mát. Từng cọng rau, từng chiếc lá bông cải mẹ tôi chăm bón ngày một tươi tốt. Tôi cảm động đến ứa cả nước mắt, chạy lại gần ôm chầm lấy mẹ. Mẹ tôi giật mình buông cả thùng tưới, xoay người lại lắc mạnh vai tôi. Ánh mắt không giấu niềm xúc động, chẳng nói nên lời. Trên gương mặt mẹ xuất hiện những nếp nhăn, gian nan cực nhọc nuôi tôi khôn lớn đã cướp đi xuân xanh của mẹ nhưng nhìn mẹ tôi vẫn trẻ trung như ngày nào.

“Con đã ăn uống gì chưa? Mấy năm qua con có bệnh tật ốm đau gì không?” Mẹ âu yếm hỏi tôi. Dù giờ đây tôi đã cao lớn, khoẻ mạnh nhưng trong mắt mẹ, tôi mãi là đứa trẻ con mà thôi.

Tôi vừa đỡ mẹ vào trong nhà vừa kể cho mẹ nghe những gì tôi học được từ môi trường quân đội. Những giờ phút tập luyện vất vả, khổ cực biết bao nhiêu nhưng cũng nhờ vậy mà tôi từng bước trưởng thành, hoàn thiện bản thân như ngày hôm nay.

“Vừa xuống xe là con về nhà ngay, có gì ăn không mẹ?” Tôi xoa xoa cái bụng đói meo của mình.

“Có đấy, con đi rửa mặt, nghỉ ngơi một lát rồi mẹ dọn cơm lên cho.” Mẹ tôi giục, đẩy vai tôi.

Tôi cười hi hi. “Con lớn rồi, có còn là cậu bé tinh nghịch như ngày xưa nữa đâu, mẹ xem giờ con đã là người đàn ông lực lưỡng rồi đấy, có thể báo hiếu cho mẹ được rồi.”

Tuy nói vậy tôi vẫn nghe lời mẹ ra sau nhà đến bên giếng nước trong veo, múc từng gàu rửa mặt. Những giọt nước mát lành cuốn trôi hết bụi bặm và những ưu tư trong lòng. Tôi cúi nhìn xuống giếng, thấy bóng mình chập chờn lay động. Một mảnh trời trong xanh in bóng xuống dòng nước cùng vô số những cánh hoa đỏ tươi rực rỡ.

Tôi đứng thẳng người, hoài niệm. Tất cả những hình ảnh thuở ấu thơ ùa về trong tâm trí tôi. Dù mấy năm qua tôi sống xa nhà nhưng tôi có cảm giác như mình chưa hề rời khỏi quê nhà. Phong cảnh vẫn im ắng và cô tịch như lúc xưa. Vườn rau vẫn thơm ngát. Mẹ tôi vẫn hiền lành và chu đáo.

Ráng chiều đỏ ối rơi xuống thềm nhà. Những đoá hoa sớm nở đầy cành. Trên bàn, ngọn đèn nhỏ được thắp lên. Con mèo già cuộn tròn mình trong bếp lò, bộ lông của nó dính đầy tro. Mỗi lần nhìn cảnh ấy và những lần nhìn mẹ nấu ăn bên ngọn lửa hồng, lòng tôi bình yên quá đỗi. Ngôi nhà yên lành bao giờ cũng làm tôi thảnh thơi, cực nhọc và muộn phiền dường như đã bỏ lại sau lưng. Nơi ấm áp ấy luôn mở rộng đón chào tôi, nơi có người mẹ hiền hậu yêu thương tôi vô bờ bến.

Mẹ tôi lấy chiếc quạt giấy phủi đi mấy hạt bụi còn vương trên phản và xếp lại chăn gối. Tôi để mặc mẹ làm những công việc ấy vì mẹ nói mẹ hạnh phúc khi được chăm sóc, lo lắng cho tôi còn tôi hạnh phúc khi được mẹ vỗ về. Tôi cảm thấy mình như trở về những năm tháng bé dại.

“Con nghỉ một lát, cơm canh sẽ có ngay thôi.”

Mẹ xuống bếp. Tôi ngã lưng xuống phản, duỗi thẳng hai chân, lòng dịu lại. Ngoài ô cửa sổ, vòm trời rộng lớn. Tận cùng chân trời có ánh nắng cuối ngày lướt bay đi. Những nhánh hoa rung rinh trước làn gió nhẹ. Tôi khẽ nhắm mắt, hít hà hương hoa bay vào. Năm năm tháng tháng, hoa còn đó, nở rồi tàn, tàn rồi nở. Tháng tháng năm năm người khác xưa, người đến rồi đi. Hoa gạo năm nay vắng bóng một người nên hoa buồn lẻ loi.

Tôi nằm úp mặt vô tường, lim dim mắt. Nghe tiếng bước chân của mẹ, tôi giả vờ ngủ. Mẹ lấy chăn đắp lên người tôi, bật quạt xua đuổi muỗi. Tôi nằm im, không động đậy, mắt se cay. Bao lâu rồi tôi mới được mẹ săn sóc như ngày thơ bé. Dù không xoay người lại nhìn tôi vẫn biết mẹ đang ở bên cạnh. Tôi không dám hít thở, lặng yên cảm nhận từng cử chỉ quan tâm của mẹ cho đến khi mẹ đi ra, tiếng dép nhỏ dần, tôi mới bật dậy, khoé mắt ướt nhoè tự bao giờ.

Ăn bữa cơm xong thì trời tối hẳn. Triệu vì sao đua nhau nở trắng xoá khắp bầu trời. Tôi mở cửa phòng mình. Mọi thứ được xếp gọn gàng. Căn phòng giản đơn với một ánh đèn nhỏ, một tủ sách, một cái giường và một chiếc bàn. Tôi mở ngăn kéo, bên trong là những bông hoa gạo ép khô đã biến đổi màu. Tôi nâng lên một cánh hoa khô khốc. Hơi ấm của Nhi vẫn còn đọng lại trên tay.

Tôi bước ra ngoài phòng khách thấy mẹ đang vá áo. Những chiếc áo có đôi chỗ rách, sút chỉ, bạc màu nhưng mẹ vẫn giữ cho đến tận bây giờ chỉ là không biết tôi có còn mặc vừa không nữa.

Ngồi xuống bên chiếc bàn, tôi hỏi mẹ về Nhi. Mẹ tôi ngừng tay, ngước lên nhìn tôi bằng ánh mắt đượm buồn. Mẹ thở dài. “Nhi nó lấy chồng được hơn nửa năm rồi con à!”

Chuyện này cũng không có gì là quá bất ngờ. Trở về cố hương, không còn nhìn thấy bóng dáng mảnh khảnh tung tăng chạy nhảy ngoài ngõ, không còn được nghe giọng cười khúc khích quen thuộc là tôi biết Nhi đã không còn ở con phố này nữa rồi.

Tôi rót một cốc trà, đểnh đoảng thế nào lại để trà tràn ra ngoài ly. Mẹ tôi nhắc nhở. “Ấy, con phải cẩn thận chứ.” Về chuyện của Nhi, mẹ tôi nói tiếp, giọng đều đều xen lẫn tiếc nuối. “Con bé bị ép hôn. Ba mẹ nợ nầng chồng chất, Nhi buộc phải gả đi nơi xa. Cuộc hôn nhân như thế làm sao mà hạnh phúc.”

Tôi hớp một ngụm trà. Trà có vị nhàn nhạt. Vầng trăng khuyết in trên rèm cửa. Tôi bước ra vườn. Giữa hai thân cây, có treo một chiếc võng, tôi nằm xuống đó, lặng lẽ thu nhặt lại những mảnh vụn tháng năm bên người. Đêm nay một mình tôi bầu bạn với ánh trăng. Đời người vui buồn ly hợp. Trăng cũng vơi đầy tỏ mờ. Xưa nay khó vẹn tròn. Nếu nhắm mắt lại chúng ta sẽ tìm kiếm điều gì ở bản thân? Còn trái tim tôi tìm lại kỷ niệm tuổi trẻ ngày xưa. Những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ như cuốn phim được tua lại rất chậm mở ra sống động trước mắt tôi cho đến khi tiếng mẹ gọi cắt đứt dòng hồi tưởng quá khứ trong tôi.

“Vinh, con!”

Vội bước vào nhà, tôi hỏi mẹ có chuyện gì. Bà trao cho tôi lá thư Nhi viết trước lúc rời quê hương. Dưới ánh sáng của những vì sao chi chit, tôi mở phong thư ra đọc. Nét chữ nghiêng nghiêng, mềm mại. Đúng là nét chữ của Nhi. Tôi thất vọng khi Nhi chẳng nói gì nhiều, cô chỉ viết vài dòng ngắn gọn, đại khái cô bảo tôi rằng hãy quên cô đi, đừng chờ đợi một người đã cũ. Tôi buông thõng lá thư, nén tiếng thở nhè nhẹ. Cơn gió thoảng qua, đưa hương hoa bay ngang qua mũi. Phải chăng giấc mộng mãi mãi không bao giờ đạt được mới chính là giấc mộng đẹp nhất?

Tinh cầu cô đơn giữa ngân hà


            (Bài đăng trên Mực Tím)


Ngôi làng nhỏ nằm im lìm trong bóng chiều tà. Những hạt bồ công anh theo gió bay khắp đất trời. Màu trắng của hoa quyện với ánh tịch dương đỏ thẫm tạo nên một bức tranh không gian huyễn hoặc. Tôi rời khỏi nhà, bước xuống con dốc thoai thoải, nghe hương sắc mùa hạ rơi trong ánh trời chiều nhàn nhạt. Mùa này bồ công anh nở rộ, trắng muốt, tinh khôi. Tôi bước thẩn thờ, bàn chân chậm rãi. Lòng không vui cũng chẳng buồn, chỉ là vào khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống ngôi làng nhỏ quê mình lại thấy tim xốn xang lạ kỳ.

Tôi bắt gặp An ngồi bó gối trên thảm cỏ ngát xanh, xung quanh bồ công anh nở ngập lối. Nhà An cách nhà tôi hai dãy. Mẹ An mất khi cô 13, An ở cùng ba và bà nội. Căn nhà lúc nào cũng yên ắng khiến tôi có cảm giác như là căn nhà bỏ hoang vậy. An ít nói, không có nhiều bạn bè. Tôi luôn thấy An đi về một mình, cô đơn lắm. Như ngay lúc này đây bờ vai cô độc ấy khiến sống mũi tôi se cay. Mái tóc cắt ngắn ngang vai bay loà xoà trong gió. Đôi mắt An thật buồn và sáng như hai vì sao nhỏ giữa ngân hà. Tôi muốn bắt chuyện với An nhưng cô bạn cứ lảng tránh, thu mình trong chiếc vỏ ốc do chính An tạo ra, không tiếp xúc cũng chẳng có mơ ước gì.

Lần đầu biết An, tôi đã nghĩ An thật lạ mãi đến sau này tôi mới biết An sống khép kín là vì cái chết của mẹ mình khiến cô áy náy vô cùng. Ngày mẹ An qua đời cũng là ngày sinh nhật An. Vì thế mỗi năm đến sinh nhật, An ra mộ mẹ, quỳ mãi đến khi mặt trời lặn dần mới chịu về.

Tôi bước ngang qua An, đi một đoạn rồi ngoái đầu lại tự hỏi An đang nghĩ gì. Chiều nào tôi cũng thấy An ngồi ở đó, trên thảm cỏ mướt xanh và dưới vòm trời bao la. Đôi mắt long lanh nhìn xa xăm vào khoảng không vô định nào đấy. Tôi ngắt một đoá bồ công anh, chờ trời nổi gió rồi dùng hết sức thổi thật mạnh. Hoa bay đi, bay về phía An ngồi. An ngẩng lên, nhìn chăm chú. An đưa tay ra đón lấy, hoa trượt qua kẽ tay bay mất.

“Những kí ức buồn thương cũng giống như bồ công anh vậy, sẽ có một ngày chúng rời khỏi mình.”

Nghe giọng tôi, An quay sang, nhìn tôi bằng cặp mắt tròn xoe. Những hạt hoa in trong đáy mắt An lấm tấm như những ngôi sao trên trời. Tôi ngồi xuống cạnh An, cùng cô bạn ngắm mây hồng trôi lơ đễnh phiêu du tứ phía. Hoàng hôn tắt lụi, An đứng lên cúi đầu chào tôi và đi về phía con dốc thoai thoải, trong cơn gió mát lành, trong hương thơm thanh khiết và rơi cả vào trong giấc mơ tôi. Bóng dáng nhỏ bé liêu xiêu bước lên dốc như mang hết những ưu tư nặng trĩu vào người. Tôi tiếp tục bước dạo. Gió thổi mơn man theo triền dốc giống như giai điệu của một bản nhạc du dương được đệm bằng piano. Mảnh trăng lấp ló đằng xa, xung quanh nó là những ngôi sao nhỏ xíu trắng ngần. Con đường chìm vào bóng tối tĩnh mịch. Đèn đường hỏng, người ta vẫn chưa sửa lại. Chỉ có ánh sáng phát ra từ những ô cửa sổ đã phủ bụi mờ theo năm tháng.

Ăn cơm xong, tôi chạy ra cửa hàng gần nhất mua hai que kem khác loại rồi chạy sang nhà An. Cô bạn ngồi ngoài hiên. Tôi đưa An que kem vị vani. Tôi tìm kiếm những câu chuyện để nói với An, dập tắt bầu không khí nặng nề chung quanh. Ở lớp, An ngồi dãy bên kia, tôi dãy bên này. An chỉ vào lớp khi chuông vừa reng. Giờ ra chơi thì đọc sách ở thư viện. Nhiều lúc muốn gần gũi An, hỏi han vài câu mà chẳng có cơ hội. Nhưng ngay lúc này An ngồi kế bên tôi, thật gần nhưng tôi lại nói những câu vô thưởng vô phạt rằng An đã làm Toán chưa, có câu nào khó hiểu không đến cả chính tôi cũng cảm thấy nhạt nhẽo vô cùng. Cơn gió nào vừa thoảng qua làm tóc ai bay phấp phới. Bóng trăng in xuống khoảnh sân trước hiên nhà An. Tôi khều vai cô bạn bảo rằng tối mai mình sẽ lại đến vì hôm nay tôi đã được nhìn thấy An cười, nụ cười mỉm nhẹ như sương đêm. Môi An mấp máy định nói điều gì đó nhưng rồi lại thôi. Tôi không hỏi nhiều, vẫy tay tạm biệt An và rời đi.

Trời đen thẫm, thấp thoáng những ánh sao. Tôi nhảy chân sáo trên đường, lòng vui rộn ràng. Hương cỏ thơm nồng. Hương bồ công anh dìu dịu. Ngọn gió đang ca hát, hát về những nơi nó từng đi qua. Một buổi tối mùa hè thật dễ chịu. Trong tim An cất giữ một kí ức buồn mà suốt nhiều năm qua An chẳng thể nào nguôi ngoai. Tôi tự nhủ sẽ nhấc bổng những kí ức ấy ra khỏi người An để cô có thể vui vẻ mỗi khi đến sinh nhật mình.

***

Sau buổi học cờ vua ở câu lạc bộ, tôi có ý định sang nhà An. Nắng tắt trên con đường. Giữa lưng chừng dốc, vài cánh hoa bay lơ lửng. Tôi dừng lại ngắm một lát rồi đi tiếp và rẽ ở đầu con dốc. Ngôi nhà im ắng như bỏ không hiện ra với những bức tường loang lổ. An ngồi đọc sách bên cửa sổ. Dáng ngồi nho nhã. Đôi mắt như hai viên tinh cầu nhỏ trên trời đêm. Tất cả được thu lại như một đoạn phim ngắn trong trí óc tôi. Bầu trời chiều nay nhiều mây, sà xuống ôm trọn lấy dãy núi xanh xám nơi hoàng hôn đang chuẩn bị chìm vào giấc mộng của đêm. Cơn gió lọt vào hẻm vắng làm cho chiếc chuông gió treo trên cửa sổ nhà An kêu tơ rinh, tơ rinh. Chuông gió đã cũ, nhạt màu nhưng âm thanh phát ra vẫn trong trẻo. Thường thì lúc gần nhau, chúng tôi chẳng nói gì nhiều. An đọc sách còn tôi thì chơi game đến khi ngân hà bung nở những vì tinh tú trắng muốt khắp màn đêm đen kịt tôi mới về nhà mình ăn cơm. Những buổi chiều yên ả cứ thế trôi qua, tưởng chừng như vô vị nhưng với tôi thì điều đó giống như một mảnh kí ức rực sáng trong mùa hè, tô đậm thời niên thiếu đơn điệu của tôi.

Vì đang trong thời kỳ nghỉ hè nên tôi có nhiều thời gian trống. Trong khi những đứa bạn xách ba lô lên và đi khám phá những vùng đất mới thì tôi lại dành khoảng thời gian đó để học cờ vua. Học xong ghé nhà An kể cho cô nghe những điều tôi nhìn thấy trên đường, lúc đi và lúc về bởi tôi biết An ít khi nào rời khỏi nhà trong vòng bán kính hai mét. Từ nhà tôi đến câu lạc bộ cờ vua phải đi qua một cây cầu bắc ngang con suối trong vắt. Lúc chiều tàn, hoàng hôn đẹp đến ngỡ ngàng. Những đám mây hồng in bóng xuống dòng suối. Hoa dại nở trong các hốc đá. Qua hết cây cầu là tới đường ray xe lửa nhưng tôi chưa bao giờ thấy tàu chạy qua. Có lẽ tuyền đường sắt này đã không còn hoạt động. Đẹp nhất vẫn là thảm cỏ xanh ngát lấm tấm hoa bồ công anh trắng tinh ngay bên cạnh con dốc. Lần nào cũng vậy, tôi ngắt vài bông bỏ vào túi áo, đến nhà An thì lấy chúng ra. Có những cánh còn nguyên vẹn, có những cánh bị nát vụn. Chúng tôi thi nhau thổi, như thổi bay hết ưu phiền.

Những câu chuyện tôi kể, An chăm chú lắng nghe. Có khi hỏi lại, có khi đáp trả rồi cười khúc khích. Tôi thấy vui lắm. An cởi mở và hoà đồng hơn trước. Chẳng mấy chốc mà một nửa mùa hè đã trôi qua. Tôi cũng đã đi được một nửa chặng đường vào thế giới của An rồi.

***

Tôi nằm dài trên lan can, nheo mắt nhìn vòm trời xanh biêng biếc trên cao. Tiếng gió rì rào trong bụi cây làm tôi nhớ đến chiếc chuông gió cũ kỹ treo ở cửa sổ nhà An. Dạo gần đây tôi nghĩ về An nhiều hơn. Mỗi lần nghĩ như vậy lại mong muốn nụ cười kia xanh mãi. Tôi chợt bật dậy, lấy xe đạp qua nhà An, xin phép bà nội đưa An đi chơi. Bà đồng ý ngay tức thì và còn nói nhỏ vào tai tôi rằng hãy ném nỗi day dứt trong lòng An đi xa để An có thể vui vẻ trở lại. Tôi hứa.

An ngồi sau xe tôi, nắm hờ vạt áo tôi. Xe lên dốc, tôi cố sức đạp thật nhanh chống lại cơn gió đang thổi ngược chiều. Chúng tôi băng qua những con đường có hai hàng cây xanh lá, qua cây cầu bắt ngang dòng suối lấp lánh nắng vàng như kim sa. An khẽ dụi đầu vào lưng tôi. Hoa bay rợp bầu trời như tuyết rơi giữa hè. Khoảng hai mươi phút như thế, chúng tôi dừng lại. Tôi dừng xe ngay bên cạnh một gốc cây cổ thụ, ngồi dưới những tán lá xanh rì, phóng tầm mắt ra xa trong khi An đang cố bắt một cánh hoa bồ công anh bay càng lúc càng cao, càng lúc càng xa. Chiếc phi cơ bay lẫn vào trong mây, kéo theo phía sau vệt khói dài màu trắng rồi dần tan biến. Ngày tàn nhưng ông mặt trời vẫn cố gửi nắng xuống mặt đất. Những sợi nắng mềm mại ấy đậu trên người An, lấp loá vi diệu.

Tôi lên tiếng trước. “Tớ đố cậu nhé, một người bộ hành đang đứng trước ngã ba đường, con đường bên phải dẫn đến một nơi nóng bức, con đường bên trái dẫn đến một nơi lạnh buốt. Người bộ hành phân vân không biết nên đi hướng nào. Cậu đoán thử xem.”

An ngập ngừng vài giây rồi hỏi ngược lại tôi. “Nếu là cậu thì cậu sẽ chọn con đường gì?”

“Tớ không chọn con đường nào hết, tớ sẽ tự tạo ra con đường cho riêng mình. Cậu cứ ôm khư khư những kí ức buồn đó vậy thì sao cậu không tự tạo ra những kí ức đẹp. Những niềm vui, những bài học từ mẹ cậu khi người còn sống. Gom hết chúng lại đặt vào tim thay cho nỗi buồn dai dẳng suốt mấy năm qua. Mẹ cậu cũng không muốn nhìn thấy cậu như thế này đâu.”

Sợi nắng cuối cùng trên tóc An tàn lụi. Bóng tối phủ lối từ bao giờ. Vầng trăng non nhạt mờ treo lơ lửng giữa không trung. Hai, ba ngôi sao bắt đầu hiện ra. Một chốc thì cả dải ngân hà rực rỡ những ánh sao kiêu sa, lộng lẫy.

“Nghe người ta nói nếu hai người cũng ngắm sao thì sẽ không còn thấy cô đơn nữa. Cậu có thấy vậy không?” Tôi hỏi. An chỉ cười.

Tôi chở An về. Xe dừng trước cổng, An đứng đối diện tôi, nhoẻn miệng cười thật tươi và nói cảm ơn tôi. An nói thêm. “Tớ thấy lòng nhẹ nhõm đi rất nhiều, cậu ạ!

Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao mỗi khi nhìn An cười, trái tim tôi như bông hoa nở rộ. Mùa hè vừa đi qua. Tự nhủ rằng những mùa hè tiếp theo, tôi vẫn sẽ ở cạnh An để ánh tinh tú kia không còn cô đơn.

Bởi vì ai cũng cần có nhau trong đời!

Mùa xuân của cây bông gòn


        (Bài đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Thuận 2020)


        Tiết trời âm ấm. Những ngày cuối đông đã đi qua. Cơn gió xuân nồng nàn lướt trên các ngọn cây. Nắng rải vàng ươm mặt đất. Cây mai trước hiên nhà đã nở những nụ hoa bé tí, cánh hoa rung rinh mỗi khi có gió thổi. Đó là chậu mai mà ba tôi dành dụm từ năm ngoái đến tận năm nay mới mua được. Khi ba cùng mấy người nữa khiêng mai về, vẻ mặt mẹ tôi dường như không ưng ý, mẹ nói lãng phí quá, để tiền mua quần áo cho thằng Nhí có phải tốt hơn không? Ba tôi phì cười, nói nhà cửa không rộng thì còn có cái này để mà khoe với người ta khi có khách viếng thăm. Mấy chục năm qua nhà mình có mua mai bao giờ đâu, Tết năm nay nên hoàn hảo một chút, còn quần áo của sắp nhỏ cứ để tui tính.

        Tôi không biết hai chữ hoàn hảo trong lời nói của ba có ý gì nhưng tôi biết chắc chắn một điều nhà tôi từ trước tới nay làm gì có khách tới thăm dù là trong những ngày xuân. Cái châm ngôn giàu-nghèo không thể ngồi chung bàn từ lâu đã trở thành ‘tục lệ’ mỗi khi xuân về tết đến, ít nhất là với gia đình tôi.

        Ở cái xóm này, nhà giàu nhất là nhà của anh Khánh. Ngôi biệt thự ba tầng được quét vôi màu xanh đọt chuối nằm kềnh càng giữa những mái tranh lụp xụp. Kế đó là nhà của nhỏ Hiên. Hiên là tiểu thư cành vàng lá ngọc nhưng tính tình ngổ ngáo, vô phép tắc. Nó không ưa gì những đứa nghèo khó như tôi và luôn châm chọc khi có dịp. Một lần tôi mang cả rổ bông gòn đi từ ngoài ngõ vào cổng làng, Hiên cố tình nói to như để tôi phải nghe thấy. “Tụi mày biết không, ba của con Bông mới mua cây mai, nghèo mà bày đặt học làm sang.” Những đứa khác phụ họa theo. “Chắc chúng nó muốn khoe khoang ấy mà.” “Cái này gọi là chảnh đấy tụi bay.” Rồi tụi nó phá lên cười sằng sặc. Đã quá quen thuộc với những câu mỉa mai của con Hiên, tôi lầm lũi bước đi.

Phía sau nhà tôi có cây bông gòn. Những trái bông gòn khi chín to bằng bàn tay, xanh ngắt treo lúc lỉu trên các thân cây khẳng khiu. Tán lá xòe rộng, tỏa bóng mát. Tôi hay ngồi dưới gốc cây ôn bài. Mỗi mùa bông gòn nở, mẹ sai mấy anh chị em tôi leo lên hái xuống, đập vỡ đôi lấy hạt bên trong rồi nhét vào ruột gối. Sẽ có những chiếc gối êm thật êm. Mẹ gánh xuống thị trấn bán đổi tiền mua gạo. Những chiếc gối mẹ tôi làm nổi tiếng cả một vùng. Mẹ may khéo tay, lại đẹp thành thử cứ đến mùa Tết, người ta lại đặt hàng với số lượng lớn. Nhờ vậy mà gia đình tôi có đồng ra đồng vào sắm sửa đồ mới.

Mẹ chỉ tôi cách may. Tôi may khá xấu lại không thẳng tắp nên không bán được, chủ yếu là để nằm. Nhưng gần đây tôi chăm chỉ học may, tôi muốn may thành một chiếc gối nhỏ xinh để làm quà sinh nhật cho một người. Tôi còn thêu lên bề mặt gối đôi cánh phượng hoàng.

Người đó là anh Khánh. Anh học cùng trường với tôi, lớp mười hai. Anh học vô cùng xuất sắc, năm nào cũng nằm trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Không những bạn bè mà thầy cô đều quý mến anh. Nhỏ Hiên từng tuyên bố với lũ bạn của chúng nó rằng. “Sau này tao sẽ làm vợ của anh Khánh, cấm đứa nào giành.” Anh Khánh tuyệt nhiên không cưới một cô vợ xấc xược như Hiên nhưng so với gia cảnh thì chỉ có Hiên mới xứng với gia sản kếch xù của anh Khánh.

Ban đêm tôi thường ra ngồi dưới gốc bông gòn, nhìn sao giăng đầy trời qua đám lá trên đầu. Mỗi lần xem tôi luôn nhìn thấy một ngôi sao sáng nhất nằm ở hướng Bắc. Tôi hình dung ngôi sao đó là anh, đẹp đến như thực nhưng lại không thể nào với lấy. Biết mình chỉ là một con bé quê mùa, nhem nhuốc nên tôi không dám lại gần anh, chỉ có thể đứng từ xa, ôm trong lòng một mối tương tư.

Nhưng rồi có một chuyện xảy ra, vô tình thôi làm tôi và anh xích lại gần nhau, cùng nhau trò chuyện trong những lần gặp gỡ ở thư viện, cùng nhau đi về trên con đường ngập lá. Những kỉ niệm đơn giản nhưng đọng lại rất sâu trong lòng tôi.

Ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Trống đánh tan học vừa vang lên, cả lớp đồng loạt vỗ tay rần rần. Thầy giáo chúc cả lớp ăn Tết vui vẻ. Tôi xếp sách vở vào cặp, vừa bước chân ra cửa thì bị nhỏ Hiên ngáng đường. “Ê, con nhỏ bán gối, Tết này mày tha hồ ăn bông gòn thay hạt dưa nhé.”

“Mà công nhận mẹ mày may gối đẹp thiệt, may cho gia đình tao vài chiếc đi, tao đem bánh chưng qua đổi lấy.”

Bọn họ vừa chế giễu vừa cười cợt tôi.

“Mày học làm gì, mẹ mày rồi sẽ truyền nghề lại cho mày, sau này gánh gối đi bán, có khối chàng mua ấy chứ.”

Tôi ngồi ở ghế đá, mặc kệ thời gian trôi đi miên miết. Sân trường lặng im như tờ. Chỉ nghe tiếng gió thổi vi vu. “Sao lại ngồi ở đó một mình vậy?”

Tôi giật mình ngẩng đầu lên, chạm phải ánh mắt của anh Khánh. Anh là học sinh duy nhất được đàm thoại cùng thầy hiệu trưởng trong những chương trình ước mơ hay những lần họp hành. Giờ này anh chưa về là chuyện hiển nhiên. Tôi cúi đầu, không nói gì.

Anh tiến đến ngồi cạnh, hỏi chuyện. “Em tên Bông, đúng không?”

“Sao anh biết ạ?”

“Mẹ em làm gối nổi tiếng nhất cái làng này, ai lại không biết.”

“Ngay cả anh cũng châm chọc em sao?”

“Sao em lại nghĩ thế?”

“Vì công việc… của gia đình em.” Tôi rụt rè.

“Vì có những người như mẹ em mà tất cả chúng ta mới có được một giấc ngủ ngon. Em phải tự hào chứ cớ gì phải xấu hổ.”

Tôi ngước mặt, mở tròn đôi mắt nhìn người bên cạnh. Tuy anh sống trong nhung lụa nhưng tôi chưa lần nào thấy anh tỏ thái độ tự đại, ngược lại anh hết lòng giúp đỡ những người nghèo khó như chúng tôi. Anh lập ra câu lạc bộ tình nguyện Những ước mơ xanh và kêu gọi mọi người chung tay đón lấy những trẻ em cơ nhỡ. Với lối ăn nói thuyết phục, anh dẫn dắt câu lạc bộ ngày một đi lên và thu hút nhiều học sinh tham gia. Đây chính là điểm tôi yêu quý anh, xem anh như một tấm gương để mình soi vào.

“Nhưng bọn họ cứ nói hoài…”

“Anh có nghe những lời đó nhưng em đừng bận tâm, em chỉ cần sống đúng với cuộc sống của chính em là được rồi. Còn nữa, anh thấy em… xinh đấy.”

“Gì cơ ạ?” Tôi không nghe lầm đấy chứ.

Anh cười hiền. “Không cần phải quá trau chuốt, nếu em biết cách thì anh tin em sẽ trở nên nổi bật trước đám đông thôi.” Rồi như có phép thuật, anh xòe tay trước mặt tôi, trong lòng bàn tay anh là chiếc kẹp nơ màu thiên thanh. “Nó hợp với em.”

Vài giọt mưa xuân lắc rắc. Chúng tôi về. Cổng trường khép lại. Vì nhà hai đứa gần trường nên chúng tôi đi bộ. Mưa phủ lấm tấm từng hạt trên đầu anh trông như những hạt bông gòn trắng muốt. Nghĩ tới đây tôi chợt nhớ đến chiếc gối mà mình may dở dang. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành nó trước ngày sinh nhật anh.

Tết ông táo, ngoài đình có hát bội, nghệ sĩ thuộc những gánh hát nghiệp dư chuyên đi khắp nơi để biểu diễn. Ai cũng nô nức đi xem. Tôi hòa cùng dòng người nhộn nhịp phía trước đến đình làng để xem hát. Thật ra tôi không thích nghe hát bội mấy nhưng nghe nói ở đó còn có tấu hài và ảo thuật. Đi để mở rộng tầm nhìn.

Tới nơi, mọi người kéo ghế ngồi chật kín khoảnh sân đầy cát. Mấy cô, mấy chú nghệ sĩ mặc đồ sặc sỡ, trang điểm lòe loẹt bước ra sân khấu. Tôi thoáng thấy phía xa, anh Khánh đứng cạnh cây cổ thụ cùng với mấy người bạn. Nhờ có ánh trăng trên cao chiếu xuống, tôi trông thấy rõ gương mặt tuấn tú của anh. Chung quanh người anh như tỏa ra ánh sáng lấp lánh.

Tôi định bước tới thì bị nhỏ Hiên chặn đường. “Ê, Bông, mày không ở nhà may gối ra đây làm gì thế?”

Tôi không muốn gây sự, bước ngang qua, Hiên chộp lấy tay tôi. “Tao đang nói chuyện với mày đó, á, hôm nay bày đặt cài nơ cài bông. Muốn trở thành công chúa hả?” Dứt lời Hiên với tay giựt lấy chiếc kẹp tóc trên đầu tôi. Rất nhanh, tôi không ngăn kịp.

“Trả đây.” Tôi sấn tới vòng tay quanh người Hiên để lấy lại nhưng bên cạnh nó còn mấy đứa nữa. Chúng nó không cho tôi lại gần Hiên, mấy lần xô tôi ngã uỵch ra đất. Không bỏ cuộc, tôi quyết một mất một còn với nhỏ Hiên để đòi lại món đồ mà anh Khánh đã tặng. Giằng co một hồi, chiếc kẹp rớt xuống đất, Hiên giẫm lên rồi hất mặt bỏ đi.

Tôi ngồi xuống nhặt từng mảnh vỡ của chiếc kẹp, lòng thắt lại. Gió đưa giọng nói trầm ấm từ đâu vọng đến bên tai tôi. “Thôi, để anh mua cái khác cho em.”

Tôi lắc đầu, nước mắt tèm lem, chạy vụt đi. Về đến nhà, tôi dùng keo dính dán lại. Kẹp nơ không còn nguyên vẹn như lúc đầu nhưng tôi lại không nỡ vứt đi. Chiếc kẹp tóc màu thiên thanh ấy không chỉ là món quà thông thường mà còn là động lực giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống.

Tối 28. Sinh nhật anh Khánh. Tôi ôm chiếc gối mà mình đã cất công may nhiều ngày liên tiếp mấy lần bị kim đâm vào tay đến nhà anh. Từ xa, cổng căn biệt thự mở toang, từng tốp nam thanh nữ tú với phục trang diêm dúa cầm trên những hộp quà lộng lẫy tiến vào bên trong.

Tôi nhìn lại mình chẳng khác gì một con bé rách rưới, nhếch nhác. Tôi không thể hình dung được một lát nữa đây ở trong một căn nhà sang trọng, giữa buổi tiệc sinh nhật hoành tráng, món quà tầm thường của tôi sẽ xuất hiện ngớ ngẩn thế nào. Mấy lần tôi quay gót, định về nhưng nghĩ đến mình đã cất công may chiếc gối này, nhất quyết phải trao nó tận tay anh, dù sau đó có bị sỉ vả ra sao cũng mặc, tôi đành từ bỏ ý định tháo lui, tiến thẳng về phía trước.

Tôi hít một hơi thật sâu rồi can đảm bước vào. Vừa qua cánh cổng sắt tôi có cảm giác như mình đang ở trong một thế giới khác, sôi nổi và náo nhiệt với những ngọn đèn sáng rực và những món đồ hiệu đắt tiền. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã. Không ai chú ý đến tôi. Tôi đưa mắt tìm anh Khánh. Anh từ trên lầu bước xuống, ăn mặc giản dị nhưng không kém phần lịch lãm.

Đúng lúc tôi định bước tới chúc mừng sinh nhật anh thì nghe giọng điệu mỉa mai của nhỏ Hiên. “Mày ôm gối đi đâu thế hả?”

“Tôi… tôi… tới tham dự sinh nhật của anh Khánh.” Tôi lắp bắp.

Hiên ôm bụng cười nghặt nghẽo. Tiếng cười của nó đánh thức những con người mĩ miều kia. Họ đồng loạt chuyển hướng nhìn sang tôi.

Hiên vẫn chưa thôi cười. Nó chỉ món quà trong tay tôi, lên giọng chê bai. “Mày đừng có nói với tao là mày định tặng anh Khánh cái gối này nhá.” Mọi người có mặt trong bữa tiệc cùng phá lên cười. Tôi còn nghe thấy có ai đó xì xầm. “Đồ nhà quê.”

Tôi cắn môi, chỉ muốn tìm khe hở nào đó để chui xuống. Vào lúc tôi định bỏ chạy thì chủ nhân buổi party cất giọng. “Sao không được? Rất đẹp mà.” Anh bước đến lấy món quà từ tay tôi, vân vê những hình thêu trên bề mặt gối. Căn phòng thoáng chốc yên ắng.

Anh Khánh nói vài lời, sau đó mọi người vây quanh bàn tròn, trên bàn là chiếc bánh sinh nhật nhiều tầng. Anh Khánh nguyện cầu và thổi nến. Tôi đứng bên ngoài, cảm thấy không được thoải mái cho lắm. Tiếng nhạc xập xình kèm với mùi nước hoa nồng nặc của các cô gái đỏm dáng, tôi thấy khó thở bèn ra ngoài vườn cho khuây khỏa. Kế cây ngọc lan tỏa hương thơm ngát là chiếc xích đu bằng tre. Một đứa nhóc ngồi ở đấy đang chăm chú vào máy chơi game. Là em trai của anh Khánh. Thằng bé có vẻ trầm tính.

Bỗng tôi nghe có tiếng nói chuyện từ trên lầu vọng xuống. Tôi ngạc nhiên nhận ra giọng nói của anh Khánh còn người phụ nữ kia chắc là mẹ anh.

“Lấy gối làm quà sinh nhật, nó không thấy xấu hổ hay sao mà tặng món quà xoàng xĩnh đó.”

“Con chẳng thấy có gì xấu hổ cả, ngược lại nó có ý nghĩa nữa là đằng khác.”

Câu nói của anh Khánh làm tôi ấm lòng. Có lẽ mình nên về. Tôi quay lưng, phát hoảng khi trông thấy bóng đèn phía trên xích đu sắp rớt. Không kịp suy nghĩ một giây nào, tôi vội kéo thằng bé ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chỉ nghe thấy một tiếng choang, những mảnh vỡ nằm rải rác. Tôi bị mảnh thủy tính cứa vào tay.

Tối hôm đó anh Khánh đưa tôi về tận nhà sau khi băng bó vết thương trên tay tôi.

Sáng mùng một Tết, xông đất nhà tôi chính là gia đình anh Khánh. Họ biếu chúng tôi đủ lễ vật.

“Cháu Bông là đứa trẻ lương thiện và tốt nết.” Giọng nói của người phụ nữ thay đổi hẳn, dịu dàng và ngọt ngào. Bà khen tôi làm tôi mắc cỡ quá chừng. Ngay lúc ấy tôi bắt gặp anh Khánh đang nhìn mình chan chứa yêu thương.

Ngoài sân, nắng xuân rực rỡ.

Bài tình ca mùa đông



          Thanh Bình là một nhà soạn nhạc vô danh. Từ lúc sinh thời đến khi trải qua gần hết nửa đời người, anh vẫn không có cho riêng mình bản nhạc nào để đời. Điều này làm anh buồn biết bao nhiêu.

          Khi tiết trời từ thu sang đông, anh thường về sống trong một căn nhà bằng gỗ nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố, kế bên là khu rừng bạch dương chỉ còn trơ lại vài chiếc lá. Không gian nơi đây yên tĩnh, ngoài trừ tiếng lá ào ạt xô đẩy những nhánh cây thì không còn nghe bất cứ âm thanh nào nữa. Là một nơi thích hợp để anh viết nhạc.

          Bầu không khí trong rừng phảng phất mùi nấm cùng với tiếng lá xào xạc. Sương mù bay lả lướt dù là ngày hay đêm. Khí ẩm nhiều nên rêu mọc rậm rạp. Rêu từ trên các cành cây phủ xuống như những dải tóc màu xanh.

            Một hôm, Thanh Bình đang thong thả tản bộ trong rừng để tìm cảm hứng thì gặp đứa cháu ông gác rừng. Cô bé thắt hai bím tóc xinh xinh đang nhặt những quả bạch dương bỏ vào trong chiếc giỏ được làm bằng mây. Anh hay đến nhà chơi đánh cờ cùng ông ngoại cô bé. Nhưng vừa nhác thấy anh từ ngoài cổng, nó liền lủi mất vô phòng, đóng cửa lại làm anh không có cơ hội được chuyện trò và làm quen.

            Hôm nay tình cờ gặp trong rừng, anh hy vọng cô bé sẽ không bỏ chạy khi nhìn thấy mình.

            Trời đang vào đông. Gió thổi triền miên. Sương rơi buốt lạnh, thỉnh thoảng có mưa và nhiệt độ có lúc xuống âm độ.

            “Em tên gì?” Anh bước tới khom người, hỏi.

            “Đan Đan.” Cô bé lí nhí trả lời, tay nắm chặt chiếc giỏ mây. Thay vì sợ hãi và bỏ trốn như những lần trước, lần này cô bé đứng đấy và nhìn anh chăm chú.

            Anh nhận ra đôi mắt Đan Đan có màu xanh nhạt và trong cặp mắt lanh lợi ấy anh nhìn thấy những vòm lá lấp lánh nhảy nhót như những đốm lửa nhỏ.

            Vẻ đẹp ngây thơ của Đan Đan làm tim anh rộn rã. Một ý tưởng thuần khiết chợt lóe lên trong đầu anh.

            “Anh sẽ tặng em một món quà thú vị nhưng không phải bây giờ, phải đợi đến khi em tròn mười tám tuổi.” Thanh Bình mỉm cười, nói.

            Đan Đan xụ mặt. “Thế thì lâu quá.”

            “Anh còn phải nghĩ ra nữa chứ.”

            “Nhưng đó là món quà gì ạ?”

           “Bí mật, tới lúc đó em sẽ biết.” Anh khẽ suỵt.

        “Những món đồ chơi ấy ạ?” Anh chưa kịp nói gì thì Đan Đan tiếp luôn. “Thế thì không cần đâu, búp bê hay logo xếp hình, em có đầy.”

        “Không, không phải mấy thứ đó.” Thanh Bình bối rối giải thích. “Món quà tinh thần, không phải đồ chơi.”

        Nhưng Đan Đan không nghe, cô bé nói tiếp. “Nếu là những thứ đồ chơi đó cũng không sao, em sẽ không làm vỡ đâu. Ông ngoại em có một con tàu bằng gốm, ngày nào em cũng lau chùi mà chẳng bao giờ làm hỏng cả.”

        Lời của Đan Đan làm anh phát bực nhưng anh cố nhịn và lặp lại những điều mà người lớn thường nói với trẻ con khi không thuyết phục được chúng. “Em còn nhỏ có một vài chuyện không hiểu hết đâu. Hãy kiên nhẫn nhé. Còn bây giờ thì anh sẽ đưa em về và chúng ta sẽ nói về một vấn đề khác.”

         Đan Đan thở hắt ra như người lớn. Chẳng còn cách nào khác, cô bé lẽo đẽo theo sau Thanh Bình. Anh cầm giúp nó chiếc giỏ mây, trong đó đựng rất nhiều quả bạch dương.

        Khi sắp tới nhà của người gác rừng, Thanh Bình bảo Đan Đan. “Thôi, em về một mình nhé.”

        “Anh không vào chơi một lát à?” Vầng trán cô bé nhăn lại.

        “Cảm ơn em. Bây giờ anh không có thời gian, anh còn phải chuẩn bị món quà cho em nữa.”

        Thanh Bình xoa đầu Đan Đan rồi quay ngược trở lại con đường lúc nãy mà anh và cô bé đã đi qua. Đan Đan cau mày nhìn theo. Cô bé xách chiếc giỏ nghiêng qua một bên làm cho những quả bạch dương rơi xuống hết.

        Trên đường về nhà, Thanh Bình nghĩ. Mình sẽ viết một bản nhạc tặng Đan Đan khi em ấy tròn mười tám.

        ***

        Thanh Bình không bước chân ra ngoài cho đến khi hoàn thành bản nhạc mà anh ấp ủ. Tất cả những thứ có thể làm cản trở âm nhạc như đồng hồ cứ chốc chốc lại kêu tích tắc, điện thoại thi thoảng lại reng lên, rèm cửa bay phần phật khi có gió… anh đều vứt hết vào nhà kho.

        Người dân quanh vùng đều bảo rằng căn nhà của anh giống như một túp lều tranh của tiều phu. Trong căn phòng chỉ còn lại mỗi chiếc dương cầm màu trắng bạc. Người giàu trí tưởng tượng có thể nghe thấy những hợp âm sống động từ cây dương cầm: tiếng côn trùng rỉ rả trong các bụi cây, tiếng gió từ trong lớp sương mù, tiếng lá rơi chạm đất từ những cành bạch dương đến cả tiếng nhịp tim người nghệ sĩ run lên vào những khoảnh khắc nhớ đến đôi mắt trong veo của Đan Đan.

        Chiếc dương cầm có thể ca về mọi thứ, tâm hồn thánh thiện của con người, về những điều đẹp đẽ trong tình yêu, ước mơ và cuộc sống. Những ngón tay của Thanh Bình lướt nhanh trên từng phím trắng đen, lúc buồn bã, mừng vui, lúc lại cao trào, sâu lắng đến khi giai điệu tắt hẳn đi.

Trong giây phút lặng lẽ ấy có một thứ âm thanh rung lên rất khẽ như tiếng khóc tỉ ti của nàng Lọ Lem bị mụ dì ghẻ trách phạt. Thanh Bình ngửa người ra sau ghế, lắng nghe âm thanh đó. Anh nhận ra đó là tiếng dế, một chú dế đã dọn đến ở cùng anh trong ngôi lều nhỏ.

Thanh Bình viết bản nhạc tặng cho Đan Đan trong suốt một năm ròng rã. Anh dùng tất cả những mỹ từ đẹp đẽ, những giai điệu trong sáng nhất để hoàn thành bản nhạc mà anh nghĩ đó là bản nhạc bất hủ trong cuộc đời mình.

Mùa đông thực sự bắt đầu. Những đợt gió se lạnh khiến những hàng cây run rẩy. Không còn sót lại chiếc lá nào, chỉ có những cành khẳng khiu, gầy khô cố sức bám trên thân cây. Sương trắng giăng đầy che đi con đường hoang sơ. Mùa càng lạnh, càng ít người ra khỏi nhà.

Chẳng bao lâu, giá rét bao trùm cả thị trấn. Trong căn phòng ấm áp với lò sưởi nổ lách tách, Thanh Bình nhìn qua ô cửa nhà mình thấy rõ những ngọn gió tụ hội dưới lòng đường, gió than vãn ngoài cửa kính, lay giật, xô đẩy những chiếc lá trên ban công. Lời ca của gió đưa lại không đắm say bằng âm thanh mà anh đang từng ngày viết nên. Trên bầu trời đàn chim di cư tìm nơi ẩn náu. Bầu trời mang màu xám của ngày đông lạnh buốt.

Thanh Bình viết về vẻ đẹp bên trong tâm hồn và lòng hạnh phúc. Trong lúc sáng tác, anh mường tượng cô bé có đôi mắt màu xanh ngọc bích đẹp rạng ngời lớn lên là một vị thiếu nữ xinh xắn.

Em như mặt trời, như ánh sáng ban mai. Một đóa hoa tinh khiết và trắng ngần đã bừng nở khi em đang dần trưởng thành và khiến mọi thứ xung quanh em như ngập tràn hương sắc của mùa xuân. Tôi rất hiểu cuộc đời này, dù người ta có nói thế nào thì em hãy tin rằng cuộc đời rất kỳ diệu và tuyệt đẹp. Tôi đã trải qua thời thanh xuân, cống hiến tất cả vì niềm đam mê âm nhạc. Dù sự cống hiến của tôi không một ai biết đến nhưng tôi không hối tiếc. Tôi cho đi tất cả mà không cần đòi hỏi gì. Vì thế, tôi nghĩ mình còn hạnh phúc hơn cả em nữa, Đan Đan ạ!

Em là vầng trăng tỏa ánh sáng huyền dịu. Em như hừng đông đánh thức mọi người sau một giấc ngủ say. Mong thượng đế ban phước lành cho em, cho những ước mơ của em và những gì em mong muốnthành sự thật.

Mạch suy nghĩ chảy tràn trong đầu Thanh Bình, anh gửi nó vào từng phím đàn. Anh còn cảm nhận có người đang nghe trộm tiếng nhạc của anh. Là những chú chim khổng tước đậu trên cành, là người bộ hành lang bạt trong đêm khuya mặc tấm áo khoác da hoẵng, là chú dế mèn trong sân cỏ nhà anh, là ngọn gió đập mạnh vào ô cửa kính, là vầng nguyệt mang ánh sáng huyễn hoặc trên cao.

           Mỗi ‘người’ nghe theo mỗi cách khác nhau.

           Những con chim khổng tước dù chúng có hót hay thế nào cũng không bằng tiếng đàn say đắm. Người bộ hành dừng chân ngồi bên vỉa hè đối diện nhà anh, trầm tư lắng nghe. Chú dế mèn bò ra khỏi chiếc hang ấm cúng, ngước cổ nhìn lên cửa sổ sáng đèn, bên trong in bóng người đang đánh đàn. Phải chăng lời ca quá ngọt ngào nên gió ngừng thổi, nhè nhẹ ru anh vào cõi mê luyến để anh có thể nhanh chóng hoàn tất bài nhạc. Ánh trăng đi vào trong mây và ngủ luôn ở đó vì không thể cưỡng nổi âm thanh đẹp đẽ ấy, thứ âm thanh mà bất cứ ai nghe cũng đều xuyến xao.

            ***

            Một mùa đông nữa lại về.

         Đan Đan tròn mười tám, cô tốt nghiệp trung học với tấm bằng xuất sắc. Để chúc mừng, ba cô cho cô lên thành phố sống cùng với bà Băng Thục, em gái ông. Mẹ cô không nỡ rời xa con gái mình, bà cứ khóc mãi không thôi.

            Ba cô an ủi. “Cho con bé đi đây đi đó để nó biết cái thế giới này ra sao, lòng người thế nào, để nó ru rú trong nhà nó sẽ chẳng bao giờ khôn ra được.”

            Nghe nói bùi tai, mẹ cô gạt nước mắt, vào phòng thu dọn đồ đạc cho đứa con gái duy nhất.

          Ai biết được tương lai sẽ cho Đan Đan những gì? Có thể, số phận sẽ cho cô một người chồng chân thật nhưng vô gia cư? Hay một chàng giám đốc trẻ tuổi nhưng lại keo kiệt và bủn xỉn?

             Năm đó, Thanh Bình gửi bản demo của bản nhạc Tình ca mùa đông cho ban tổ chức và ngay lập tức anh được mời tham gia buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 249 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc tài ba Beethoven.

 

Bà Băng Thục là nhân viên phục trang trong một nhà hát. Chồng bà, ông Thành cũng làm trong ấy. Ông làm nghề thiết kế sân khấu.

Hai vợ chồng bà ở trong một căn gác ngay bên cạnh nhà hát. Cửa sổ quay về hướng đông. Bao quanh căn gác là những mảng trời xanh biếc. Từ đây có thể thấy rõ màu trời chuyển từ bình minh sang hoàng hôn và ngược lại. Trên tường treo rất nhiều tranh được cắt ra từ tạp chí: những con phố vắng vẻ, những hàng cây rụng lá, những dải cát xa tít và nhiều nhất là bầu trời lúc quang mây, lúc xám xịt.

Đan Đan rất thích đi xem hoà nhạc. Đó là chuyên mục giải trí thú vị trong cuộc sống của cô. Mỗi lần xem xong hoà nhạc về, Đan Đan thường thao thức không chợp mắt được. Những giai điệu không lời vừa xót vừa da diết luôn khiến lòng cô bồi hồi có khi còn khiến cô bật khóc mà chẳng hiểu vì sao.

Bà Băng Thục thấy thế lấy làm lo lắng và thường an ủi Đan Đan. Bà nói rằng đừng nên tin vào những gì diễn ra trên sân khấu. Chẳng ai biết được đằng sau những giai điệu bi thương kia có phải là một cuộc đời bi ai? Họ cố tình làm màu vậy thôi. Họ biểu diễn vì khán giả muốn nghe. Nhưng ông Thành lại phản đối gay gắt. Ông cho rằng âm nhạc chính là thứ ngôn ngữ tuyệt dịu nhất thế gian. Qua âm nhạc có thể thấy rõ tình cảm của người sáng tác ra nó mà không cần một lời biện hộ nào cả.

Tuy vậy bà Băng Thục vẫn cứ đòi đi xem hòa nhạc để đổi sở thích.

Ông Thành không châm chọc ý kiến trái chiều của bà, chỉ nói. “Âm nhạc chính là tấm gương để phản chiếu những cái đẹp bên trong tâm hồn.”

Những lúc như vậy, bà cô ruột của Đan Đan thường kêu lên. “Cháu đừng nghe những gì ông ấy nói. Ông ấy chẳng biết nghệ thuật là gì đâu.”

Lúc đó là tháng mười hai, chỉ còn vài ngày nữa là tới lễ giáng sinh. Một màu trắng xoá bao phủ khắp đất trời. Trời lạnh và buông những hạt mưa phùn. Cỏ lan chỉ hương thoang thoảng bay.

Có một buổi hòa nhạc diễn ra tại nhà hát nơi bà Băng Thục đang làm việc.

Đan Đan đi xem hoà nhạc cùng với người cô ruột của mình. Thoạt đầu cô định mặc một chiếc đầm nhung đen, loại nhung rất mịn được nhập khẩu từ Ý. Nhưng chú cô bảo trong đêm đen nên vận đồ trắng để phô bày sắc trắng tinh khôi của nó. Điều này sẽ làm cô nổi bật hơn khi ở giữa đám đông.

Không thể cãi lại lời ông Thành, Đan Đan mặc chiếc váy trắng không tay khoác ngoài một chiếc áo len candida quý phái. Bà Băng Thục đã mượn nó trong kho phục trang của nhà hát.

Khi Đan Đan mặc xong, bà Băng Thục phải công nhận một điều rằng chồng bà có con mắt thẩm mỹ. Bà ngắm cô cháu gái trước gương, trầm trồ khen ngợi. Không gì có thể sánh bằng màu da cùng gương mặt thanh thoát với mái tóc dài mượt của cô.

“Bà xem, cứ y như con bé đang đi dạ hội với hoàng tử vậy.” Ông Thành nói với bà Băng Thục.

“Đúng vậy.” Bà trả lời. “Thế mà hồi đó buổi hẹn đầu tiên của chúng ta, tôi còn chẳng được như thế và ông cũng chẳng phải là chàng trai ga-lăng.”

Ông Thành phì cười rồi chúc hai cô cháu đi xem hoà nhạc vui vẻ.

Từng cơn gió buốt thổi ngập trời. Ánh trăng lạnh chiếu xuống con phố dài rải đầy lá khô.

Dòng người đổ về nhà hát càng lúc càng đông. Bà Băng Thục đưa vé cho người gác cổng rồi dắt tay Đan Đan vào bên trong, chọn đúng vị trí ngồi. Cô đảo mắt quan sát. Phía trên sân khấu chỉ có một góc là phát sáng. Sau đó thì hàng loạt ngọn đèn lưu ly được thắp lên trên những giá nhạc. Buổi tối đó sao giăng kín khắp trời, sáng đến nỗi những ngọn đèn chỉ làm nền cho không khí buổi hoà nhạc thêm phần thăng hoa.

Những nốt nhạc đầu tiên được cất lên dưới bàn tay nghệ sĩ, cả khán phòng im phăng phắc. Rồi cứ thế những giai điệu nhịp nhàng vang dội êm êm giữa sân khấu, bao trùm cả nhà hát. Đan Đan say sưa lắng nghe bản nhạc tuyệt diệu hay nhất từ trước tới nay. Bản nhạc gợi lên trong cô những xúc cảm bồi hồi kỳ lạ. Những âm thanh nối tiếp nhau gợi lại trong tâm trí cô những hình ảnh trong giấc mơ mà cô vẫn thường mơ.

Bỗng nhiên Đan Đan giật nảy người khi nghe có ai đó nhắc đến tên mình. Cô quay sang nhìn người ngồi bên cạnh bằng ánh mắt như muốn hỏi chuyện-gì-đang-xảy-ra-thế? Bà Băng Thục cũng kinh ngạc không kém.

Thanh Bình đứng ngay giữa sân khấu từ lúc nào. Việc đầu tiên anh làm là đưa mắt nhìn chung quanh. Mặc dù anh không biết khi lớn lên trông Đan Đan như thế nào nhưng anh cứ nhìn mãi vào cô gái mặc đầm trắng như thiên thần đang ngồi ở hàng ghế đầu. Khóe môi anh nở nụ cười, anh đinh ninh rằng cô chính là cô gái bé nhỏ hay lẫn trốn anh mỗi khi anh tới nhà cô chơi.

Trước khi biểu diễn, anh tuyên bố trước khán giả. “Bản nhạc này có tên là Tình ca mùa đông, tôi viết tặng Đan Đan nhân dịp cô tròn mười tám tuổi.” Anh nói đúng quê hương và cả tên ông ngoại của mình khiến Đan Đan không khỏi ngạc nhiên.

Đan Đan mang hai tâm trạng lẫn lộn vừa sung sướng lại vừa lo sợ. Cô hít một hơi thật sâu, cố gắng dùng hơi thở đó điều hoà nhịp tim nhưng vô ích. Cơn xúc động trong cô dâng tràn khiến cho mí mắt cô rớt ra một giọt nước. Cô giấu đi trong đôi bàn tay.

Ban đầu cô không nghe thấy gì hết. Một cơn sóng cuồn cuộn trào lên trong lòng. Bản nhạc du dương, càng lúc càng cao trào. Nó tựa như một luồng gió thổi qua các ngọn cây, như muôn vạn tia nắng nhảy nhót trong buổi sớm tinh mơ, gieo vào trái tim người những giọt nước trong veo, mát rượi. Đan Đan cảm thấy có một luồng không khí âm nhạc nhẹ bẫng len lỏi trong từng tế bào. Cô cố gắng bình tĩnh trở lại.

Từ lúc nào chẳng hay, tiếng đàn đó như có phép nhiệm màu hoá thành tình yêu cao cả, quý giá. Tiếng đàn mở ra một thế giới không có đau khổ, không có chiến tranh và con người sống với nhau chan hoà.

Giờ thì Đan Đan nhận ra Thanh Bình chính là người đã giúp cô mang chiếc giỏ đựng đầy quả bạch dương về đến tận nhà. Là người mà cô từng chê trách chỉ biết làm ra những món đồ chơi rẻ tiền hóa ra lại là một nghệ sĩ tài hoa.

Thì ra đó chính là món quà mà anh hứa đã tặng cô vào bảy năm sau.

Đan Đan cảm thấy hổ thẹn và bật khóc – những giọt lệ biết ơn. Đến lúc ấy, bản nhạc da diết tràn ngập mặt đất và cung trăng. Sóng nhạc làm cho các vì tinh tú bừng nở và qua những ánh sáng ấy, những điều tham lam, ích kỷ tan biến như bọt sóng.

Giai điệu cuối cùng chợt vụt tắt. Thanh Bình cúi đầu chào khán giả. Không gian vẫn im lặng. Một lúc lâu sau anh mới nghe những tràng pháo tay nồng nhiệt vang lên như những bông pháo hoa được bắn lên trời.

Buổi hoà nhạc kết thúc. Đan Đan chạy đi tìm Thanh Bình. Mọi người quay đầu lại nhìn cô. Có thể một trong số đám khán giả đã nhận ra cô chính là người được nghệ sĩ Thanh Bình nhắc đến lúc nãy.

Bà Băng Thục đuổi theo không kịp đành chờ cô cháu gái trước cổng nhà hát. Cô tìm thấy anh đứng dưới một ngọn đèn. Ánh sáng hắt vào khiến làn da anh lấp loáng ảo diệu. Sau lưng và đằng trước cô, bóng tối nhợt nhạt vẫn trải đầy trên con đường đầy gió lạnh. Nơi ô cửa nhỏ bé tí nhà ai đó thấp thoáng một ngọn nến yếu ớt.

Đan Đan nắm chặt hai tay. Tuy cô chưa xác định rõ ràng những cảm xúc trong tim nhưng những cái đẹp về cuộc sống, cô lĩnh hội được tất cả.

Khẽ hít một hơi thật sâu, cô bước tới bên anh, trong ánh sáng rực rỡ của những ngôi sao trên bầu trời.