Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Điều ước mùa xuân


            (Bài đăng trên Mực Tím 03)


Mùa Tết đoàn viên của gia đình Đan đã qua rất lâu rồi. Năm nay lại một năm nữa Đan đón Tết mà không có mẹ sum vầy.

Hình ảnh mẹ trong trí nhớ của Đan có mái tóc dài, luôn búi cao sau gáy. Một ngày của mẹ từ lúc sớm tinh mơ. Mẹ buôn bán ngoài chợ, bỏ mối cho người ta. Sau mỗi lần trở về, mẹ để nguyên mùi mồ hôi trên cơ thể mà ôm chầm lấy Đan, mua quà và kể cho Đan nghe những mẩu chuyện xa gần mà mẹ gặp trên đường.

Rồi mẹ ra đi đến một nơi xa thật xa vào một ngày mưa gió tầm tã, bỏ lại Đan một mình bơ vơ. Ba Đan không đi thêm bước nữa, ở vậy nuôi Đan lớn khôn. Nhìn cảnh gà trống nuôi con, ai cũng chạnh lòng thương xót. Nhưng lần nào ba cũng nói, giấu đi giọt nước mắt. “Mẹ con vẫn còn sống, chỉ là mẹ trốn không cho chúng ta thấy mặt thôi. Cả nhà ba người chúng ta vẫn sống mãi bên nhau.”

Vắng bóng tình thương của mẹ, Tết năm nào ba Đan cũng cố gắng lo chu tất mọi thứ để cho con gái có được một cái Tết vẹn tròn như hồi còn có mẹ. Dẫu cho công việc ở cơ quan ba rất bận rộn, đến hai tám Tết ba mới được nghỉ rồi còn phải dọn dẹp nhà cửa, đi viếng mộ mẹ, làm bánh mức, bẻ lá mai… Dĩ nhiên đây là cái Tết vẹn tròn đặc trưng riêng của hai cha con Đan. Tuy vậy, ngôi nhà không có bàn tay mẹ chăm chút, Đan vẫn cảm thấy trống trải vô cùng.

Những ngày cuối năm, ba gọi cho Đan, dặn dò đôi điều. “Tết năm nay con về không, đi cùng ba tảo mộ mẹ. À, năm nay ba muối dưa chắc sẽ ngon hơn năm ngoái đấy.”

Đan ngần ngừ trong thoáng giây rồi đáp. “Con còn một kỳ thi nữa, chắc không về được ba à!”

“Vậy con ở lại ráng học nghen.”

Nghe giọng ba chùng xuống, Đan thấy ngậm ngùi. “Dạ. Để con cố gắng thu xếp thử xem sao, nếu được thì hai tám, hai chín con về.”

“Đợi tới đó con về thì sợ làm không kịp, thôi, con chú tâm vào việc học đi, ở nhà ba lo được mà.”

Ba cười cho Đan yên lòng nhưng Đan vẫn cứ thấy buồn, buồn như ngọn gió đông đang thổi ngoài sân.

***

Mấy năm trước…

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, gia đình Đan lại có thói quen gói bánh chưng. Những năm còn mẹ, cả nhà quây quần bên nhau, cùng nhau làm ra những chiếc bánh hình vuông thật xinh xắn. Đan học hoài mà vẫn không gói được, cả ba Đan cũng thế. Hì hục suốt cả buổi chiều, sửa tới sửa lui từng đường từng nét vậy mà chiếc bánh dưới bàn tay vụng về của ba vẫn méo xệch, không vuông vức như bàn tay khéo léo của mẹ. Biết ba buồn, nên Đan an ủi. “Bánh chưng ba làm là số một, con và mẹ rất thích.”

Từ lúc mẹ về với thiên đường,  tuy chỉ có hai cha con Đan nhưng họ vẫn gói bánh chưng để đem lên bàn thờ cúng mẹ. Ba vuốt mấy chiếc lá dong, suy tư. “Nhớ lại hồi đó, mỗi lần đến Tết mẹ con lại tất bật, lo từ việc nhỏ đến lớn còn ba lại chẳng làm được gì để phụ mẹ con, ngay cả việc gói bánh chưng ba cũng làm không xong. Ba thấy mình tệ quá.”

Nhiều lúc thấy ba vất vả quá, Đan bảo ba ra chợ mua về nhưng ba từ chối. Ba nói chính tay chúng ta làm thì món quà dành tặng mẹ mới có ý nghĩa. Nói rồi ba lại ngước nhìn lên bàn thờ mẹ, dùng vạt áo lau nước mắt. Thấy vậy Đan càng buồn bã hơn. Đan nhớ mẹ. Đan ước gì mẹ về với mình dẫu chỉ với mấy ngày Tết ít ỏi cũng khiến Đan ấm lòng. Dường như ba cũng có niềm mong ước đó khi Đan thấy ba ngồi gói bánh chưng, vừa gói vừa rưng rưng đôi dòng lệ.

Nghĩ đến người cha ngày đêm lủi thủi một mình, lòng Đan quặn lại. Đan học trên thành phố, nghỉ hè hoặc dịp lễ mới về thăm nhà một lần. Bà con họ hàng thì lại ở xa, hàng xóm đâu phải ai cũng rảnh rang mà ngày ngày bầu bạn cùng ba. Lo lắng cho ba ở một mình cô đơn, những đêm trời trở lạnh không ai chăm sóc, Đan nhiều lần gợi nhắc ba đi thêm bước nữa nhưng ba đều lảng tránh. “Hạnh phúc của ba là được nhìn thấy con sống vui khoẻ, thành tài. Như vậy là ba mừng rồi, mấy chuyện khác không còn ý nghĩa với ba nữa.”

Đan thôi hỏi, đờ đẫn cả người. Đan biết là tình cảm của ba dành cho mẹ vẫn đong đầy dù đã nhiều năm trôi qua. Những sợi tóc bạc của ba ngày một dày thêm là hằng đêm ba không ngủ, miên man nhớ về khoảng thời tuổi trẻ nồng nhiệt với người vợ quá cố. Những đêm ngắm sao, Đan luôn thấy một ngôi sao sáng nhất nằm ở một góc đằng xa. Và Đan tin ngôi sao ấy là mẹ. Mẹ đã hoá thành vệt sáng trên trời, âm thầm dõi theo, bảo vệ Đan. Để rồi vào một đêm đầy sao khác, Đan mong mỏi tìm kiếm một ngôi sao là ba đứng cạnh mẹ. Đan giật mình, không muốn nghĩ thêm nữa. Đan mong ngày đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra…

Bữa cơm tất niên, hai cha con Đan ngồi đối diện bên chiếc bàn tròn đầy ắp thức ăn. Ba cười thật nhiều, kể chuyện ngày xưa giữa ba mẹ cho Đan nghe, còn Đan kể chuyện trường lớp, những dự tính trong tương lai, tiếng cười xen lẫn giữa những mẩu hội thoại mà sao vẫn thấy căn nhà trống vắng lạ kỳ. Tiếng nô đùa của trẻ con, những giai điệu của bài Happy New Year từ nhà hàng xóm vọng sang đều khiến cho hai cha con Đan thấy nao lòng.

Để không làm ảnh hưởng đến bữa cơm cuối năm, ba khẽ tằng hắng kể tiếp. Đan hiểu ba không muốn sự thinh lặng có mặt trong ngôi nhà, vì như thế càng làm cho dòng suy tư của ba về mẹ nhiều hơn. Ba chỉ muốn giữ lấy những ký ức đẹp đẽ về mẹ thôi. Ba kể ngày xưa mẹ rất thích có một cây mai anh đào do chính tay ba cắt ghép. Nhưng vì bận rộn công việc ba hứa rồi lại thất hứa đến khi nụ mai đầu tiên bung nở thì mẹ đã không còn nữa. Ba ân hận vô cùng, giá như ngày đó ba quan tâm mẹ nhiều một chút thì có lẽ…

Đan cắt ngang, phá bỏ bầu không khí nặng nề xung quanh. “Thế hồi đó giữa ba và mẹ, ai là người tỏ tình trước ạ?”

Ba buông đôi đũa xuống bàn, nheo mắt cười khà khà. “Thật ra thì… là mẹ con đó.”

Đan tròn mắt, thốt lên đầy vẻ kinh ngạc. “Ấy vậy mà con cứ tưởng…”

“Con tưởng ba đúng không? Hồi đó ba nhát lắm, thích mẹ con mà cứ giấu nhẹm may mà mẹ con hiểu lòng ba.”

“Có một người hiểu mình thật tuyệt, phải không ba?”

“Ừ.” Đang cười ba chợt thở dài não nề, rót một chút rượu nhấp môi nhưng cuối cùng ba lại uống tận hai ly. Mắt ba long lanh vài giọt nước. Đan thấy thương ba quá.

Vậy là tiệc tất năm đã trôi qua trong những dòng hoài niệm về mẹ, mỏng manh và mờ ảo rồi dần tan.

***

Kỳ thi vừa chấm dứt, Đan vội vã thu xếp quần áo rồi chạy ra bến xe ngay mặc dù Đan biết về giờ này có thể không còn vé nữa nhưng Đan thật sự muốn về, chưa bao giờ Đan muốn trở về với ba như năm nay. May mắn thay còn một tấm vé cuối, Đan mừng rỡ, thì thầm ‘Cảm ơn mẹ’. Trong lúc đợi đến giờ xe chạy, Đan gọi điện cho ba hỏi ba thích gì để Đan mua. Trong suốt quãng thời gian ngồi trên giảng đường đại học, Đan vừa học vừa làm kiếm được chút tiền nên Đan muốn mua gì đó tặng ba làm quà năm mới.

Giọng ba khàn khàn xen lẫn những cơn ho kéo dài. “Con quyết định về là ba vui rồi, cứ để dành tiền cho năm học sau, ba già rồi, quà cáp chi đâu.”

Tuy ba nói vậy nhưng Đan vẫn mua chiếc khăn choàng cổ dành cho người cao tuổi. Đan thích thú, ôm khư khư món quà vào lòng, bước lên xe.

Về đến nhà, Đan thấy ba đang muối dưa. Đứng ở phía sau, Đan chợt xúc động. Ba già đi rất nhiều, tóc bạc trắng, lưng còng, dáng ngồi xiêu vẹo… thế mới biết thời gian là thứ đáng sợ vô cùng.

Đan buông phịch ba lô xuống nền đất, chạy lại ôm chầm lấy ba, giọng nghèn nghẹn. “Năm sau ba đừng làm công việc này nữa, để con ra chợ mua cũng được mà. Con không muốn ba vất vả đâu.”

“Được rồi, năm sau ba không làm nữa.” Ba cụng trán mình vào trán Đan, vì tay ba bận nên không thể xoa đầu con gái.

Tối đó đợi ba ngủ say, Đan lén vào phòng, đặt món quà ở đầu giường, sáng ba dậy chắc chắn sẽ ngạc nhiên lắm.

Tia nắng buổi sớm nhảy nhót trên nhành mai, Đan dậy và thấy ba ngồi trước thềm cửa nhâm nhi trà. Trên cổ ba là chiếc khăn choàng mà Đan mua tặng. Đan thầm hỏi không biết phản ứng của ba thế nào khi nhìn thấy món quà nhưng Đan chưa kịp suy tưởng, khung cảnh mai đào xoè cánh, nắng vàng rực rỡ ngoài sân làm Đan chú ý. Lần đầu tiên Đan thấy lòng mình vui thật sự kể từ ngày mẹ mất. Trong khoảnh khắc tuyệt diệu này, Đan chỉ ước muốn một điều nhỏ nhoi và duy nhất: mong sao ba sẽ ở cạnh Đan mãi mãi…

Ai đó đốt pháo trộm, tiếng pháo nổ đì đùng đón mừng xuân sang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét