Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Những lá thư kỷ niệm



Mỗi ngày viết thư cho em là một niềm vui của anh. Chỉ có như vậy anh mới có thêm nghị lực để tiếp tục sống. Anh muốn quay trở lại khoảng thời gian trước kia để nhìn thấy em-người con gái hoạt bát, vui vẻ mà anh đã từng yêu. Chứ không phải thấy em buồn và ngồi khóc như bây giờ. Đừng lo lắng gì cả nhé, anh vẫn ở bên cạnh em đấy thôi. Anh sẽ không bỏ rơi em trong cái thế giới đầy nghiệt ngã này đâu. Hãy tin tưởng ở anh nhé!

Lại thêm một lá thư nữa ba viết cho mẹ tôi. Rất nhiều, rất nhiều lá thư được mẹ đặt trong một chiếc hộp gỗ nhỏ xinh. Những lá thư ấy là niềm hạnh phúc duy nhất của mẹ kể từ khi ba tôi về với thiên đường.

Nhà tôi nằm dưới chân của một ngọn đồi. Xung quanh toàn là núi. Hoa dại mọc thành từng cụm. Phía sau nhà có một vườn rau xanh um và đó cũng là nguồn thu nhập của hai mẹ con tôi.

Ba tôi mất khi tôi còn rất nhỏ thậm chí tôi còn không nhớ rõ khuôn mặt ông. Điều duy nhất tôi có thể biết rằng ba tôi vẫn luôn hiện hữu chung quanh chính là những bức thư mà ông để lại-những bức thư mang hương vị của kỷ niệm xưa.

Mẹ dạy tôi cách xào rau dù tôi chẳng muốn học, mẹ tự tay sơn lại chiếc xe đạp cho nó mới tinh để tặng tôi nhân dịp sinh nhật. Tôi rất quý chiếc xe đạp đó, chiều nào cũng mang nó ra chạy lòng vòng khắp thị trấn. Mẹ chăm lo tôi từng việc nhỏ nhặt, từ chuyện ăn uống ở nhà đến chuyện học hành trên trường nhưng tuyệt nhiên mẹ không kể về ba cho tôi nghe, mà chỉ nói hãy đọc hết những bức thư ba viết sẽ hiểu rõ con người ông thế nào.

Hôm nay em đã ăn cơm chưa. Hãy chăm sóc tốt cho bản thân mình. Anh rất xin lỗi vì không thể ở cạnh em đến suốt cuộc đời. Em cô đơn lắm, đúng không? Anh hy vọng những lá thư này sẽ là nguồn động lực để em vượt qua. Em phải mạnh mẽ lên nhé!

Ban đầu tôi còn có hứng thú đọc nhưng càng về sau, tôi đâm ngán.

Dòng thời gian vùn vụt trôi. Tôi bước vào kỳ thi đại học. Mẹ muốn tôi đỗ đại học nông lâm để khi tốt nghiệp xong có thể về trang trại gia đình mà làm việc. Bề ngoài tôi vâng lời nhưng sau đó tôi lén mẹ nộp đơn vào một trường đại học khác. Vì tôi không thích trồng rau.

“Chuyện này là sao?” Mẹ tôi cầm tờ giấy đỗ đại học, giơ lên trước mặt tôi. “Chẳng phải mẹ đã bảo con thi vào nông lâm rồi kia mà sao giờ lại biến thành sân khấu điện ảnh? Con giải thích đi.”

“Không có gì để giải thích hết mẹ à. Ngay từ đầu con đã chọn ngành này rồi.” Tôi đáp, biết rõ làm vậy sẽ khiến mẹ buồn nhưng tôi không còn sự lựa chọn nào khác.

“Con nói gì? Cả người cha quá cố của con lẫn mẹ đều kỳ vọng vào con sao con lại…”

“Bởi vì con không muốn làm việc ở đây. Cái thị trấn nghèo nàn này thì có gì hả mẹ? Điều mà con hướng đến là một cuộc sống rực rỡ ánh đèn nơi đô thành, mẹ hiểu không? Với lại học trên thành phố, tự con sẽ kiếm tiền vừa học vừa làm, đỡ cho mẹ một khoản phí.” Nói rồi tôi cúi gằm chờ cơn thịnh nộ từ mẹ nhưng mẹ chỉ nhẹ nhàng hỏi.

“Vậy sao con không bàn với mẹ. Mẹ là người ngoài à?”

Câu nói đó khiến tôi đứng trơ như phỗng. Cũng từ cái hôm mẹ và tôi cãi nhau về chuyện thi đại học, bà ít nói chuyện với tôi hơn nhưng lại âm thầm quan tâm tôi. Mẹ nấu nhiều món ngon rồi bảo. “Ở trên thành phố không có những món này đâu.” Tôi hiểu ý mẹ. Bà sợ tôi ăn toàn cao lương mĩ vị mà quên mất những món dân dã quê nhà.

Đang ăn tôi chợt buông đũa, ngước lên. “Nói vậy nghĩa là mẹ cho con lên đó học rồi hả mẹ?”

Bà cười nhẹ. “Mẹ có thể không đồng ý sao?”

“Con cảm ơn mẹ.” Tôi vùi đầu vào ngực bà như ngày còn thơ. Chiều hôm đó khi ăn cơm xong, hoàng hôn buông nơi trời xa, tôi đạp xe lên đỉnh dốc mặc cho cơn mưa đầu mùa kéo tới tát xối xả vào mặt. Khi lên tới nơi, tôi dang hai tay hét thật to cùng trời đất bao la. Cuối cùng tôi đã có thể rời khỏi thị trấn và vươn xa.

Ngày tôi đi, mẹ tiễn tôi ở bến xe. Mẹ dặn dò đủ thứ nhưng tôi không nhớ hết. Viễn cảnh được hoà nhập cùng cuộc sống nhộn nhịp nơi đô thị làm lòng tôi nôn nao. Cảm giác này thật khó tả, giống như người ta sắp sửa biết tin sẽ có một cơn mưa đến trong mùa hạn hán vậy. Tôi ngồi trên xe, kéo khoá ba lô xem thử mẹ bỏ vào trong những món đồ gì. Một phong thư đầy ắp tiền kèm với một bức ảnh của ba. Tôi tỳ tay lên thành kính, ngắm nhìn dải mây trôi ở cuối chân trời. Xe đò đi qua, bỏ lại con đường mòn giữa những ruộng ngô ruộng khoai ở phía sau. Trên những mái nhà tranh, nắng vẫn chưa tắt dù ánh tà dương đã buông đầy con ngõ vào làng.

Tôi ở trong ký túc xá của trường, tập thích nghi với môi trường mới. Buổi đầu tiên nhập học, tôi đến trễ nên ngồi ở bàn cuối cùng với một cô bạn khá xinh, tên Nhã Ngân. Dáng người nhỏ nhắn như hạt tiêu nhưng vô cùng cởi mở. Chính cô chủ động làm quen với tôi, nhờ vậy mà tôi cảm thấy bớt ngượng ngập.

Trong lớp tôi toàn là những nam thanh nữ tú. Họ xài điện thoại hàng hiệu. Họ mặc những bộ trang phục loè loẹt. Con trai đeo khuyên tai, con gái thì nhuộm tóc. Họ nhìn tôi như nhìn sinh vật lạ và chính tôi cũng cảm thấy mình lạc loài khi ở giữa thế giới phồn hoa, đầy ánh sáng chói loà.

“Instagram mà mày cũng không biết ư? Mày đúng là lúa thật. Vậy mày biết rượu là gì không?”

Bị tụi bạn khiêu khích, tôi tập tành uống rượu để thể hiện đẳng cấp, uống đến say khướt và bị kỷ luật. Mẹ gọi điện ngay vào thời gian này, tôi không dám nói thật.

“Con vẫn ổn mẹ à! Mẹ mua laptop cho con nhé, có thứ đó thì sẽ dễ học hơn. Tại con chưa kiếm được việc làm thêm nên mẹ gửi lên cho con nhé!” Tôi quên mất những gì đã hứa với mẹ khi còn ở dưới thị trấn rằng sẽ ráng học và không đua đòi.

Đầu dây bên kia im lặng khá lâu rồi mẹ cất giọng. “Ừ, mẹ sẽ gửi cho con.”

Tôi vui sướng nói cảm ơn mẹ và tắt máy ngay.

“Sao cậu lại uống rượu?” Nhã Ngân đứng sau lưng tôi từ khi nào.

“Tớ không muốn bị tụi nó cười nhạo.” Tôi nhảy phóc lên ban công.

Nhã Ngân đứng bên cạnh. “Kệ tụi nó đi. Việc gì phải làm vừa lòng tụi nó chứ. Cậu rảnh không?”

“Chi vậy?”

“Đi xem phim.”

Tôi quay qua chạm phải đôi mắt rất đẹp của cô bạn, vô thức gật đầu. Đó là bộ phim do một đàn chị khoá trên làm đạo diễn cùng với các thành viên trong câu lạc bộ phim ảnh chuyên thực hiện những bộ phim ngắn. Suốt buổi trình chiếu, tôi cứ nghĩ mãi, rồi cũng sẽ có ngày tự tay tôi làm ra những bộ phim hay như thế.

Tôi lên mạng tìm hiểu về câu lạc bộ cũng như những hoạt động của các thành viên rồi ghi danh. Thấy tôi chăm chỉ học hỏi, chị trưởng nhóm tận tình giúp đỡ. Khi mẹ gửi laptop lên, tôi chat video với bà.

“Con chào mẹ. Mẹ khoẻ không ạ? Còn thì sống rất tốt. Đầu tiên con cảm ơn mẹ vì đã cho con theo đuổi lý tưởng của mình. Ở trên đây, con học được rất nhiều thứ. Cuộc sống mới mẻ và lạ lẫm. Tuy bạn bè con có nhiều mối quan hệ phức tạp nhưng mẹ đừng lo. Con sẽ cố gắng quen dần với mọi thứ ở đây.”

Kỳ nghỉ hè của năm thứ nhất, tôi và Nhã Ngân đi du lịch ở một thành phố biển. Hai ngày một đêm. Chúng tôi thuê xe đạp, chạy qua những cung đường đầy gió. Chụp hình và lưu giữ từng khoảnh khắc. Mải vui chơi, chúng tôi trễ hẹn với chuyến bay cuối cùng trong ngày đành ở lại. Tiền của hai đứa mang theo đã hết không thể thuê khách sạn hay nhà trọ. Buổi tối chúng tôi đốt lửa trên bãi biển. Nhã Ngân vô tư, không buồn bã hay sợ hãi gì. Trái lại tôi sợ đến mức chẳng ngồi yên được, hết ngó trái rồi ngó phải, bụng dạ cứ nơm nớp.

“Có gì mà phải sợ.” Nhã Ngân cười mỉm. “Ngồi ở đây và ngắm biển đêm, không phải rất thi vị hay sao?”

“Thi vị chỗ nào chứ. Nhỡ gặp cướp thì sao?” Bụng tôi lại giật khi nghĩ đến mấy cảnh cướp bóc trên tivi.

Nhã Ngân cười sặc sụa. “Cậu nghĩ nhiều quá rồi đó. Có biết vì sao tớ lại bình tĩnh như vậy không? Là vì tớ sống đơn thuần.” Cô tư lự. “Giấc mơ của tớ là được đi du lịch như thế này, đi khắp năm châu bốn bể càng tốt.”

“Thế sao cậu lại chọn khoa diễn xuất?” Tôi thắc mắc.

“Vì khi ấy tớ sẽ rong ruổi cùng đoàn làm phim, đi chỗ này chỗ kia và quan trọng nhất là hoàn toàn miễn phí.”

Ánh sao long lanh chiếu trên mặt biển. Có một mùi hương không tên vấn vương trong gió, là mùi của một loài hoa nào đấy.

“Còn cậu, ước mơ của cậu là gì?” Nhã Ngân quay sang tôi.

Tôi nhìn xa xăm, nơi ngọn hải đăng đang phát sáng. “Ngói đỏ tường trắng, núi đồi vờn quanh. Đó là nơi bắt đầu sinh mệnh của tớ. Nhà tớ có trang trại rau. Mẹ muốn tớ sau khi học xong về làm nhưng tớ đã chọn một con đường khác. Có những lúc u sầu nhưng lại vui vẻ. Có những khi trầm lặng nhưng tớ được lựa chọn. Khi đã lựa chọn rồi thì tớ lại phân vân. Một mặt tớ muốn làm diễn viên, mặt khác tớ muốn chỉ đạo mọi người diễn xuất. Mâu thuẫn quá nhỉ.”

“Chúng ta không đoán trước được điều gì cả, hãy làm những gì mà chúng ta muốn.”

Đêm đã về khuya. Tinh tú nở trắng ngần. Chúng tôi nằm gối đầu lên ba lô, cạnh nhau.

“Ngắm sao trên biển thích thật. Chỉ có mỗi sao và biển. Nếu ngắm sao giữa biển thì như thế nào nhỉ. Ý tớ là chúng ta thuê một chiếc thuyền bơi ra giữa đại dương và nằm trên đó ngắm sao…”

Mí mắt tôi sụp xuống. Tiếng Nhã Ngân thoang thoảng bên tai rồi mọi thứ chìm trong thinh lặng.

Hôm sau chúng tôi trở về trường học và nhận được tin sốt dẻo. Chị trưởng nhóm câu lạc bộ mời tôi thực hiện dự án phim ngắn cùng chị ấy. Đây là điều mà tôi thầm ao ước từ lâu nên tôi đã nhận lời ngay. Từ khâu kịch bản đến tuyển chọn diễn viên đã lên sẵn chỉ còn mỗi địa điểm quay. Vì chúng tôi đều là sinh viên nên cần phải chọn địa điểm phù hợp mà không tốn quá nhiều kinh phí. Trong lúc cả nhóm đang bàn bạc thì tôi chợt nảy ra sáng kiến.

“Hay là mọi người tới thị trấn của em đi. Ở đó cảnh đẹp, nhà em cũng rộng nữa mọi người có thể ở lại ngủ nghỉ.”

“Duyệt.” Chị trưởng nhóm búng tay cái tách.

 

“Lúc nãy giảng viên bảo cậu ở lại nói gì thế?” Tôi hỏi Nhã Ngân khi cả hai bước trên hành lang.

“Cô nói tớ có thành tích tốt nhất lớp nên đưa tớ tờ giấy học bổng của trường đại học ở Ý, bảo tớ hãy suy nghĩ rồi trả lời cô.”

“Học bổng á?” Tôi há mồm. “Cậu sướng thật.”

Nhã Ngân khựng lại. “Không sướng chút nào.”

Tôi ngu ngơ rồi phì cười. “Nếu là tớ thì tớ đã đồng ý ngay tắp lự rồi, chẳng cần phải suy nghĩ.”

“Cậu đúng là tên ngốc.” Nhã Ngân cốc trán tôi rồi đùng đùng bỏ đi.

Tôi định đuổi theo cô bạn thì chuông điện thoại reng.

“Cả tuần nay mất tích ở đâu mà không gọi cho mẹ?”

“Dạ, con bận thực hiện phim ngắn cùng các anh chị trong câu lạc bộ mẹ ạ. Con nhờ mẹ chút chuyện nhé, hai ngày nữa đoàn làm phim của tụi con sẽ tới thị trấn chúng ta quay phim, con muốn họ ở lại nhà mình vài hôm…”

Tôi còn tưởng mẹ không đồng ý nào ngờ mẹ tiếp đãi cả đoàn rất chu đáo. Tôi giới thiệu từng người trong đoàn với mẹ rồi dẫn Nhã Ngân lên thăm phòng mình. Cô bạn hí hửng chạy lại mở toang cửa sổ. “Ở đây mát mẻ thật, từ đây có thể nhìn thấy núi non trùng điệp. Đẹp quá.”

Nhã Ngân phụ mẹ tôi nấu bữa trưa còn tôi cùng ê-kip bắt đầu công việc. Chị trưởng nhóm nghiêm túc hẳn khác với vẻ dễ tính thường ngày. Phân cảnh nào không đạt dù chỉ là một lỗi rất nhỏ, chị cũng bắt diễn viễn diễn lại đến khi hoàn hảo mới thôi. Thế nên chỉ có một cảnh quay ngắn ngủn mà cả đoàn làm việc cật lực suốt ba tiếng đồng hồ.

 

Em có nhớ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau không, ngay tại mảnh đất tươi đẹp này, chính xác là trên cây cầu nhỏ bắc ngang qua dòng kênh nước trong xanh. Anh chụp ảnh và em vô tình lọt vào ống kính từ đó cuộc đời chúng ta như sợi ruy băng buộc chặt vào nhau… Trước khi anh nhắm mắt, hình ảnh em vẫn hiện về trong trí nhớ anh…

“Toàn bộ đều là do ba cậu viết ư?” Đoàn phim đã nghỉ ngơi chỉ còn tôi và Nhã Ngân ngồi trên bậc thềm, đọc từng bức thư.

“Ừ. Ba viết trên giường bệnh, thật kỳ lạ là khi kề cận cái chết mà ba vẫn có thể lạc quan như vậy.” Tôi đáp.

“Mẹ cậu thật tuyệt vời, một mình nuôi cậu khôn lớn.”

“Nhưng tớ đã làm mẹ thất vọng.” Tôi ngoảnh đầu nhìn ra mảnh vườn tươi tốt đều do một tay mẹ chăm bón.

“Tớ nghĩ cậu thành nhân và sống có ích cho xã hội, mẹ cậu đã vui rồi. Cậu biết không, tớ rất thích những bức thư được viết bằng tay như thế này. Nó sâu sắc và ý nghĩa xiết bao.”

Sau cơn mưa rào, thời tiết sáng sủa. Tôi dẫn Nhã Ngân đi dạo. Ánh hoàng hôn nhàn nhạt. Bóng ai đang cầm ô bước dưới chân núi. Gió thổi qua ruộng ngô vàng ươm trải dài đến cuối chân mây. Ở nơi núi đồi rộng rãi này có biết bao kí ức được gieo mầm, kí ức về chuyện tình của ba mẹ tôi, kí ức về tuổi thơ ngây của tôi và kí ức về cô bạn gái đang sóng bước cùng tôi.

Rating bộ phim khá cao, nhận được phản hồi tốt từ phía khán giả, có lẽ do nội dung truyền tải thông điệp sâu sắc về tình cảm gia đình. Cả nhóm ăn mừng chiến thắng nhưng không thấy Nhã Ngân đâu cả. Chị đội trưởng tặng tôi một món quà thay cho lời cảm ơn. Món quà chẳng có gì lớn lao, chỉ là cây bút máy kiểu cổ điển.

Tôi tìm thấy Nhã Ngân ngồi một góc trong phòng biên kịch, cô đang xem gì đấy, vẻ mặt ủ dột.

“Này, biến đi đâu mấy ngày nay vậy, làm tớ lo muốn chết.” Tôi vừa bước tới vừa nói.

“Cậu mà cũng lo lắng cho người khác nữa à?” Nhã Ngân không ngước lên, nói. Hình như cô bạn đang giận dỗi.

“Cậu nói kỳ vậy, bạn bè đương nhiên là quan tâm đến nhau rồi.” Tôi ngồi xuống cạnh cô. “Tớ hỏi ý kiến cậu nhé. Chị đội trưởng muốn tớ sang năm hai chuyển sang khoa đạo diễn để chị ấy hướng dẫn thêm. Dù sao thì chị ấy cũng là một nhân vật có tiếng trong trường. Tớ chưa chắc chắn nữa. Cậu thấy thế nào?”

Nhã Ngân đột ngột quay qua. Đôi mắt nhoè nước. Tôi bối rối, tay chân lóng ngóng chẳng biết nên làm gì.

“Chẳng phải tớ đã nói với cậu rồi sao. Cậu nên biết bản thân cậu muốn gì, thích gì chứ không phải người khác nói gì cậu cũng nghe. Nếu không cậu sẽ trở thành một con người thiếu quyết đoán, thiếu tự tin. Cậu hiểu chưa?” Nhã Ngân đẩy mạnh vai tôi một cái rồi bỏ chạy ra khỏi phòng. Tôi ngơ ngác như người vừa mới ngủ dậy.

Hôm sau rồi hôm sau nữa, Nhã Ngân không lên lớp. Nhắn tin mấy lần đều không thấy hồi âm. Mẹ gọi điện bảo chủ nhật tuần này về viếng mộ ba. Chủ nhật không đến giảng đường nhưng lại là ngày diễn ra buổi lễ trao giải cho các thành viên năng nổ và xuất sắc trong câu lạc bộ phim ảnh. Tôi bắt buộc phải có mặt vì từ khi đăng ký tôi cũng đã đóng góp không ít.

Ngay khi buổi lễ kết thúc, tôi đón xe về quê ngay. Tới nơi thì trời đã tối mịt. Tôi không ra mộ thăm ba được. Vì chuyện này mà mẹ không nhìn mặt tôi lấy một lần suốt bữa ăn. Có phải là tôi muốn như vậy đâu, chỉ vì công việc bận bịu thôi mà. Còn Nhã Ngân nữa, tôi gọi điện mấy cuộc đều tắt máy. Tôi từng nghe cô nói về chuyện du học bên Ý. Có khi nào cô ấy lẳng lặng ra đi mà không nói với mình một câu từ giã. Tôi vò đầu bứt tai, tự hỏi mà chẳng có câu trả lời nào chuẩn xác.

“Con định ngồi như vậy đến bao giờ? Con ngồi suốt hai tiếng rồi đấy.” Giọng mẹ cất lên sau lưng.

Tôi đút điện thoại vào túi, đứng lên bước ngang qua mẹ.

“Đứng lại, mẹ đang nói chuyện với con đó, con tỏ thái độ vậy là sao?”

Tôi xoay người. “Con biết mẹ giận con là vì con không đi tảo mộ ba nhưng năm nay đi không được thì năm sau. Đằng nào thì năm nào mà chả giỗ ba.”

“Con nói vậy mà nghe được sao. Con định chối bỏ trách nhiệm của mình à?”

“Nếu con chối bỏ trách nhiệm thì con đã ở trên thành phố luôn rồi.” Tôi hơi cáu gắt.

Mẹ cho tôi một cái tát. “Gì chứ? Ý con là trong lòng con vẫn còn một chút nghĩa tình nên mới về sao. Bất hiếu.”

“Chứ mẹ muốn con phải làm sao? Ngày nào mẹ cũng bắt con phải đọc thư ba, muốn con kế thừa mảnh vườn nhưng mẹ có biết điều con mong muốn là gì không?” Lần đầu tiên tôi lớn tiếng với mẹ.

“Mẹ biết chứ. Mẹ biết con muốn gì nên mới cho con lên thành phố học, cho con tự do bay nhảy. Một mình mẹ ở quê nhà tiếp tục duy trì vườn rau. Những khi trời đổ mưa, mẹ sợ khu vườn ngập úng. Như vậy sẽ không thể đem rau ra chợ bán, sẽ không có tiền gởi lên thành phố cho con ăn học.” Ngừng một lát, mẹ nói tiếp. “Con có biết mẹ lấy đâu ra sự kiên cường, chống chọi với giông bão để nuôi con trưởng thành tới tận ngày hôm nay mà không cần bất kỳ bàn tay của người đàn ông nào? Chính là nhờ những lá thư ba con viết trước khi ông qua đời. Những lá thư đó đã tiếp thêm sức mạnh cho mẹ. Mẹ chẳng cần con phải làm những việc lớn lao, mẹ chỉ mong con vào ngày giỗ ba có thể cùng mẹ viếng mộ ông ấy.”

Đêm hôm đó, tôi thức cùng ánh trăng trên trời. Giọt nước vẫn chưa khô nơi khoé mắt. Tôi quá ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình mà chưa một lần nhìn lại những gì mẹ đã hy sinh vì tôi, không nửa lời oán than. Thời gian làm tôi trưởng thành cũng là lúc tuổi tác của mẹ ngày càng tăng lên. Tôi rất sợ một ngày nào khi trở về cố hương không còn nhìn thấy dáng mẹ đứng ở cửa chờ trông.

Tôi sè sẹ bước ra khỏi phòng. Mẹ chong đèn ngồi tại bàn, vá áo cho tôi. Lời yêu thương của một thằng con trai dành cho mẹ thật khó nói ra. Tôi bước đến cạnh mẹ, quỳ xuống. Câu xin lỗi rơi ra từ cổ họng tôi đứt đoạn vì những tiếng nấc.

Sáng hôm sau vừa thức dậy đã thấy mẹ cặm cụi tưới rau ngoài vườn. Cơm mẹ đã để sẵn trong lồng bàn. Tôi ăn xong ra vườn phụ mẹ nhưng mẹ bảo không cần. Tôi đành quay vào lôi những bức thư của ba ra đọc.

Có một bức thư khiến tôi ngẩn ngơ. Đó là bức thư mẹ viết cho tôi.

Mẹ xin lỗi vì không thể cho con một cuộc sống đủ đầy như bao đứa trẻ khác. Sinh nhật, trung thu hay giáng sinh, mẹ cũng chẳng có quà gì để tặng cho con nhưng mẹ hứa sẽ cố gắng làm lụng cho con một tương lai xán lạn. Dù cơ cực, vất vả thế nào nhưng chỉ cần được nhìn thấy con vui cười, bao mệt nhọc đều như cơn gió thoảng qua.

Lại thêm một bức thư khác nữa.

Khi con chọn một hướng đi khác, mẹ thật sự rất buồn nhưng mẹ tin vào khả năng của con trai mẹ. Con sẽ làm tốt dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Lúc con nói con cần tiền để mua máy tính. Khoảng thời gian này vườn rau nhà mình đột nhiên có sâu bệnh. Chỉ trong một đêm mà cả khu vườn héo rũ. Mẹ rất lo rồi mẹ cũng đã giải quyết đâu vào đó.

Có đợt mùa màng thất bát, ở nhà túng thiếu. Sợ con xao nhãng việc học hành nên mẹ đã không nói ra. Vào lúc mẹ tưởng chừng như mình sắp sửa ngã quỵ, nghĩ đến nụ cười hạnh phúc của con, mẹ lại gượng dậy dù đôi lần mẹ rất mệt mỏi.

Rạng sáng một ngày cuối thu, tôi lên thành phố tiếp tục con đường học vấn dang dở, mang theo tất cả những lá thư để làm hành trang cho cuộc đời mai sau. Nhã Ngân vẫn không đến lớp. Cuối giờ học, tôi đến câu lạc bộ phim ảnh, xem lại các phân cảnh có trong máy quay. Chị đội trưởng xuất hiện và đưa tôi một lá thư, bảo là của Nhã Ngân gửi cho tôi.

“Nó viết trước khi sang Ý. Tại em lên trễ quá nên con bé không thể nói lời tạm biệt được. Nhìn mặt nó buồn lắm.” Chị nói thêm.

Tôi vội vàng mở thư ra đọc ngay.

Cậu đừng ngạc nhiên khi nhận được lá thư này. Có lần tớ nói với cậu tớ rất thích được viết thư tay, đúng không?

Tớ có nhiều điều giấu kín trong lòng nhưng không thể nói trực tiếp cho cậu biết nên tớ viết vài dòng này. Quãng thời gian vừa qua gặp gỡ và làm quen với cậu, tớ thật sự rất vui. Thật ra tớ đã đợi cậu lâu lắm rồi, đợi cậu nói một lời thôi, tớ sẽ ở lại. Nhưng cuối cùng thì cậu đã không nói gì. Tớ không giận cậu đâu. Vì cậu chính là mối tình đầu tiên của tớ.

Hoá ra chúng tôi đã đi bên cạnh tình yêu tự bao giờ, chỉ là do tôi khờ khạo nên đã đánh mất.

Tôi đã từng tự hỏi lòng nếu duyên phận cho chúng tôi gặp lại nhau thêm một lần nữa, liệu tôi có đủ can đảm để bước về phía cô? Đáp án là gì không còn quan trọng nữa bởi vì thanh xuân giống như chiếc đồng hồ cát, từng chút, từng chút một chảy sạch hết. Dư vị ngọt đắng để lại tựa một vết cắt khó mờ.

Ngày tháng tiếp nối. Dòng thời gian vẫn không ngừng quay.

Tôi tốt nghiệp đại học. Sản xuất bộ phim đầu tiên và được tham dự liên hoan phim quốc tế tại một thành phố ở miền Nam nước Ý, đó là đất nước mà Nhã Ngân du học. Đã bảy năm rồi kể từ ngày đó, tôi không nhận được tin tức nào về cô. Chẳng biết cô sống thế nào, có khoẻ không, đã có người yêu mới hay chưa?

Tôi lưu lại Sorrento hai tuần. Chiều nào cũng lang thang qua các ngã đường chỉ mong tìm thấy một dáng hình quen thuộc. Cơn mưa quá khứ rớt xuống từ trong kí ức vẽ lại khoảng thời gian ngọt ngào.

Ánh mắt tôi đột ngột chuyển hướng. Bên kia con đường, ai đó đang đứng trên vỉa hè. Chuyến xe buýt trờ tới cắt đi phân đoạn trùng phùng. Người đồng hành cùng cô, không phải tôi.

Thời trẻ tôi chẳng có gì ngoài đôi chân bền bỉ và một ý chí kiên cường. Bây giờ khi tôi gần như có tất cả mọi thứ trong tay, muốn ôm trọn, muốn giữ lấy nhưng những năm tháng đó đã sớm vỗ cánh bay đi.

Có không giữ, mất đừng tìm.

Và đây là lá thư tôi viết cho Nhã Ngân - người mà tôi vô tình bỏ lỡ - chỉ vỏn vẹn một dòng ngắn ngủn.

Tha lỗi cho tớ đã không hiểu chuyện hôm qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét