Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Lá thư bị bỏ quên


            (Tác phẩm đoạt giải 3 cuộc thi truyện ngắn-thơ tỉnh Bình Thuận, đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Thuận 2018)


Tháng Mười, trời lạnh và nhiều gió. Có khi gió thổi từ sáng đến tối không dứt. Đám cỏ lau sau nhà đồng loạt ngã rạp về một phía. Lẫn trong những cọng cỏ xanh rì ấy có một bông hoa cố hết sức nở trong những ngày giá lạnh.

Tiếng sáo nơi đồng hoang cứ chốc chốc vang lên rồi ngưng bặt. Ngô đồng trổ khắp mọi nhà.

Người đàn bà chưa tới năm mươi ngồi trước hiên nhà, ngóng về nơi xa. Bà mong từng ngày đứa con gái duy nhất của bà về dù chỉ vài giây ngắn ngủi thôi cũng được. Mỗi một phút giây trôi qua, bà lại càng chờ trong sự mỏi mòn. Bà muốn gặp con biết bao nhiêu, để được nhìn nó lần cuối trước khi thần chết mang bà đi.

Ánh hoàng hôn nhàn nhạt buông ở đằng tây. Hoa bồ đề nở rộ trên tường. Người phụ nữ ấy, thời trẻ là đoá hoa rực rỡ. Đàn ông si tình bà không sao đếm hết. Bà chọn một trong số ấy là người đàn ông đào hoa, gia cảnh khá giả. Bà yêu ông ta ngay từ phút đầu gặp gỡ, yêu cuồng nhiệt để rồi sau hai năm cưới nhau, sinh được đứa con đầu lòng, người chồng ruồng bỏ. Bà đau đớn đến mức gần như tuyệt vọng nhưng vẫn sống một mình nuôi con khôn lớn. Giữa năm bốn mươi bảy tuổi, bà phát hiện mình mắc một loại bệnh khó chữa trị có tên là lympho hodgkin. Bà chỉ sợ mình ra đi trong khi còn rất nhiều điều muốn nói với con gái.

Dưới hiên bóng chạc cây hắt nghiêng qua song cửa sổ, có hai đưa trẻ đang đọc truyện. Chúng chẳng bao giờ yên lặng, luôn thì thầm to nhỏ khiến bà không tài nào chợp mắt được bèn ngồi dậy, đặt chân xuống giường với dáng vẻ khó khăn. Căn bệnh rút dần sức lực của bà, nhìn bà lúc này chẳng khác gì cụ già ốm yếu, gầy rộc. Nhiều người lầm tưởng về tuổi tác của bà, bà cũng chẳng buồn giải thích, nói ra có làm bà trẻ lại đâu.

Dạo gần đây bà cứ hay ngồi đờ người trên chiếc ghế con, kê sát cạnh cửa sổ ngó ra là cảnh núi non trùng điệp. Bà hồi tưởng về quãng thời gian tươi đẹp của mình. Chí ít bà đã từng yêu, đã từng hạnh phúc. Giữa lưng chừng tuổi trẻ ấy, có một người khiến ta cười thật vui, khóc thật đau và nhớ thật sâu, vậy là đã mãn nguyện rồi, không còn gì phải hối tiếc.

Cuối cùng mình cũng đã nếm trải cảm giác yêu và hận. Bà lẩm nhẩm một mình, tuy miệng nói hận nhưng bà chưa có phút giây nào nguyền rủa người chồng bội bạc đó. Bà vẫn mong ông ở nơi xa được sống vui vẻ, bình an. Mỗi lần nghĩ về thanh xuân phơi phới, nước mắt bà lưng tròng. Quân-con trai hàng xóm làm nghề đóng giày cứ hay thắc mắc. “Sao mắt dì đỏ hoe thế ạ?”

Bà nói. “Dì nhớ con gái.”

Thằng bé lại hỏi tiếp. “Thế sao dì không viết thư cho chị ấy, bảo chị ấy về thăm nhà.”

“Cháu viết hộ dì nhé.”

Lần nào nói tới đây, Quân cũng chuồn mất. Thằng bé rất ham chơi. Thỉnh thoảng cuối tuần nó có sang nhà bà phụ những việc lặt vặt như quét nhà, đun nước sôi, nhổ cỏ trước cổng rào... Khi sang nó luôn mang theo một cuốn truyện. Nó kể cho bà nghe, những mẩu chuyện về Naruto huyền thoại hay thám tử Conan tài ba. Bà nghe bằng đôi tai lơ đễnh, nhưng bà vẫn cảm ơn Quân vì nhờ có nó bầu bạn mà bà đỡ cô độc hơn.

Những ngày cuối đời, bà sống một mình trong căn nhà cũ kỹ, lưu lại rất nhiều dấu ấn của người xưa. Vật dụng không nhiều. Tủ quần áo nồng nặc mùi băng phiến, tờ tạp chí trên bàn bám đầy bụi bẩn, vài cái bát trong bồn chưa được rửa… Có lẽ sau này bà không còn được nhìn thấy chúng. Trong làng không có ai trò chuyện với bà về những buổi sớm mai, về cuộc sống chốn thị thành, về những mùa hè đầy nắng nơi con gái bà làm việc ngoại trừ Quân. Nhưng có nhiều khi thằng bé làm lở dở rồi chạy ra đồng bắt cào cào khi bạn gọi. Cũng lắm lúc nó chăm chỉ làm việc vô tư, không toan tính. Bà thưởng tiền cho nó nhưng nó không nhận. Bà bèn đan chiếc nón bằng len có gắn hạt cườm làm quà tặng. Quân thích lắm, đội suốt ngày. Đi tới đâu thằng bé cũng khoe về chiếc nón ấy.

Phía chân trời hiện mảnh trăng khuyết mờ mờ. Gió lạnh đìu hiu, trên nhành cây chỉ còn sót lại một chiếc lá duy nhất. Đêm nay mưa nhẹ rơi bên cửa. Mưa nhỏ thành dòng trên ngói đen tường trắng. Bàn đá xanh phủ đầy rêu, loang lổ như nước chảy theo năm tháng. Cơn mưa bụi thoáng qua làm lòng bà nhớ chuyện cũ xa xa. Đêm dài lê thê kéo theo những buổi bình minh đến chậm, giữa trưa nắng mới le lói trên ngọn cây đầu cổng.

Hạ Nhiên, con gái bà sống và làm việc nơi chốn đô hội sầm uất. Cách đây một năm, cô về thăm nhà một lần rồi từ đó mất hút cho đến tận bây giờ mặc dù cô vẫn đều đặn gửi tiền hằng tháng cho mẹ mình. Nhưng cô đâu biết rằng số tiền cô gửi về ấy, bà không xài một đồng và giấu kỹ trong tủ đặng sau này lo chuyện gia thất cho cô, có lẽ chuyện ấy không kịp nữa rồi.

Bà biết con gái mình có công việc riêng, bận rộn suốt ngày. Bọn trẻ bây giờ có thời gian dư dả đâu chứ, tốt nhất là không nên làm phiền đến chúng. Mấy ngày trước, bà còn có ý định viết thư cho Hạ Nhiên nhưng bà cứ chần chừ. Mỗi ngày bà nằm trên võng, nghĩ về cô mà mắt ướt lệ. Căn nhà quá yên ắng khiến Quân chiều nào sang chơi cũng lầm tưởng bà… đã chết. Thằng bé khóc sướt mướt khi có lần lay hoài mà bà vẫn không dậy. Nó toan đi thì bà hé mắt cầm lấy tay nó, thều thào khó nhọc. “Dì mệt nên chỉ nghỉ một chút thôi. Giá mà Hạ Nhiên có ở đây…”

“Thế chị ấy cũng không viết thư về cho dì luôn ạ?”

“Chắc là nhiều việc quá…” Bà chưa bao giờ nghĩ rằng Hạ Nhiên vì công việc bề bộn mà lãng quên người mẹ đáng kính của mình. Chỉ là cô chưa có cơ hội về nhà thôi…

Tiếng sấm rền rạch ngang bầu trời. Bóng trăng in dưới dòng suối. Mảnh cuội nhỏ khơi lên những gợn sóng trăng vụn vặt. Vài cánh hoa cuối mùa quyến luyến rơi sau bức rèm che.

Một đêm cuối tháng Mười Một, gió mát thổi hơi sương tới. Mưa phùn tí tách. Trăng sáng phía chân trời. Bà trở dậy thắp đèn. Ánh đèn lay lắt khiến ngôi nhà càng thêm cô liêu. Bà đã suy nghĩ rất lâu mới quyết định viết thư cho Hạ Nhiên.

“Con gái, con vẫn khoẻ chứ? Mùa đông thành phố lạnh không con? Con nhớ ăn uống đầy đủ nhé, đừng tham công tiếc việc mà lơ là sức khoẻ. Thời tiết năm nay lạnh hơn năm ngoái. Vườn tược nhà mình héo rũ, mẹ không còn sức để mà chăm sóc chúng được nữa. Có thể mẹ sẽ không qua khỏi mùa đông này. Con dành ít thời gian về với mẹ được không, để mẹ nhìn mặt con lần cuối.”

Đến nước này bà không thể giấu Hạ Nhiên được nữa, bà bỏ tờ xét nghiệm bệnh tình của mình kèm lá thư vào phong bì rồi nhờ Quân mang ra bưu điện gởi.

***

Hạ Nhiên là thư ký của Hội Mỹ thuật thành phố. Công việc bận rộn hằng ngày, không ngơi tay. Nhiệm vụ của cô là lên lịch cho các cuộc triễn lãm, thông báo các cuộc thi, viết báo cáo trong những cuộc họp, đọc và trả lời thư của độc giả gửi về từ khắp mọi miền đất nước, phân tách những lá thư quan trọng, thư khẩn hay những bức thư do độc giả viết vài dòng hâm mộ vị hoạ sĩ này hay khen ngợi vị hoạ sĩ kia. Những bức thư không cần thiết cô để sang một bên, sau giờ làm việc cô sẽ đọc và phản hồi sau. Trong số ấy có thư của mẹ cô. Vì tên người nhận và dòng địa chỉ được viết nguệch ngoạc, cẩu thả nên cô không bận tâm.

Xong việc, Hạ Nhiên đến xưởng vẽ gặp hoạ sĩ Tuấn Anh, một hoạ sĩ trẻ tuổi tính tình bốc đồng và khó tính. Anh ta luôn cho rằng những bức tranh của mình sáng giá và độc đáo, nếu đem ra trưng bày ở phòng triễn lãm thế nào cũng được đông đảo mọi người đón nhận. Thế nhưng cấp trên của hội lại phán rằng những bức vẽ của anh không mang tính nghệ thuật.

Anh về lại xưởng, vừa đi vừa cau có. Thế nào gọi là không mang tính nghệ thuật? Ông ta bị mù à hay ông ta không biết phán xét? Anh đứng tần ngần ở cửa, nhìn bao quát xưởng, lại làu bàu. Căn phòng thì bé, cửa sổ bị gãy mất hai cánh, mùa đông quá lạnh còn mùa hè thì quá nóng. Rõ ràng là ban lãnh đạo cố tình chèn ép, không muốn mình đi lên đây mà.

“Anh lẩm nhẩm gì thế?” Hạ Nhiên cất giọng sau lưng. Cô khoác áo rất dày, đi đôi ủng da hoẵng. Dù là giữa trưa nhưng tiết trời vẫn rất lạnh. Mái tóc màu hạt dẻ của cô được cột gọn gàng, mỗi bước đi nó lại đong đưa.

“Rất hoan nghênh cô đã đến.” Anh hoạ sĩ nói, có phần mỉa mai. Tuy vậy anh vẫn nhích qua một bên cho cô bước vào. Cô chợt khựng lại vì giẫm trúng cây cọ nằm lăn lông lốc dưới sàn, còn có giấy vẽ, màu nước, cọ lớn cọ nhỏ các loại nằm la liệt. Trên bàn, cốc cà phê đã vơi gần hết. Những bức tranh được đặt trên giá. Có những bức đã hoàn thành nhưng cũng có một số bức còn dang dở. Hạ Nhiên bước đến khung cửa, có chiếc lá vừa chạm đất. Màu trời như màn sương trắng bạc phủ lên thành phố. Gió rít lên từng hồi làm cô rùng mình vội siết lấy đôi vai mỏng.

“Lạnh thật đấy.” Hạ Nhiên nói, kéo áo sát vào người.

“Cô cũng chứng kiến rồi đấy chứ tôi không nói thêm nói bớt gì nhé.” Tuấn Anh đẩy chiếc ghế bố về phía Hạ Nhiên. “Ở xưởng điêu khắc còn có lò sưởi. Cô nghĩ xem có phải cấp trên thiên vị tôi không.” Rồi anh ta lẩm bẩm một mình. “Chẳng hiểu sao tôi lại có thể sống sót đến tận bây giờ.”

“Anh đừng nổi nóng.” Hạ Nhiên có thể thấy được những tia giận dữ trong mắt người hoạ sĩ trẻ.” Tôi tới đây để xem anh vẽ vời thế nào, xem thử có thể giúp gì được cho anh không?”

Tuấn Anh cười khảy. “Cô giúp tôi sao? Trong khi cô chỉ là một thư ký, cô sẽ thuyết phục ban lãnh đạo Hội?”

“Tôi có lời lẽ của riêng tôi.” Hạ Nhiên mỉm cười tự tin. “Nhưng trước hết tôi phải xem qua các bức tranh của anh.” Cô đi xung quanh căn phòng lạnh ngắt, nhìn lướt qua từng bức tranh. Chẳng có bức nào khiến cô ưng ý. “Anh phải có điểm nhấn cho riêng mình.”

Điểm nhấn? Tuấn Anh khoanh tay, lưng dựa vào tường, nhíu mày suy nghĩ. Hạ Nhiên chợt dừng mắt ở bức vẽ được phủ lên đó một tấm vải. “Tôi xem được chứ?” Cô hỏi nhưng không nghe chàng hoạ sĩ trả lời. “Anh im lặng có nghĩa là đồng ý rồi nhé!” Cô kéo tấm vải xuống và ngỡ ngàng. Đó là bức tranh vẽ người mẹ đang chải mái tóc cho đứa con. Màu sắc đơn giản nhưng nó lại khiến cô xúc động. Ngày thơ bé, mẹ cô cũng từng chải tóc cho cô. Tóc cô có màu hạt dẻ, suôn mượt và óng ả. Mẹ dặn cô phải gìn giữ mái tóc vì nó tạo nên vẻ đẹp cho một con người. Cô chăm sóc mái tóc mình cẩn thận để luôn nhớ tới mẹ. Kể từ lúc lên thành phố, công việc bận bịu cuốn cô đi. Những kỷ niệm về mẹ dần phai nhạt trong tâm trí cô. Bây giờ nhìn bức tranh của hoạ sĩ Tuấn Anh, lòng cô quay quắt bao nỗi nhớ. Mắt cô nhoè lệ.

“Khi vẽ bức tranh này, tôi muốn một ngày nào đó nó sẽ được trưng bày ở các viện bảo tàng với thông điệp nhắn gửi tới những bạn trẻ ‘hãy yêu thương mẹ khi còn có thể.’ Nếu được như vậy tôi sẽ đem món quà ấy tặng cho mẹ của mình.” Tuấn Anh bước đến gần Hạ Nhiên tự bao giờ, chùng giọng.

“Thế mẹ anh…” Hạ Nhiên khịt mũi.

“Mẹ tôi nằm dưới lớp đất lạnh kia.”

Sau khi ra về, Hạ Nhiên nghĩ rằng nhất định phải đưa bức tranh và vị hoạ sĩ tài hoa mà vô danh kia ra ngoài ánh sáng.

Tan cuộc họp buổi chiều, Hạ Nhiên ở lại và gặp riêng chủ tịch hội. Cô nói phải tổ chức triển lãm tranh của hoạ sĩ Tuấn Anh bằng mọi cách. Ông ta lắc đầu, nói rằng không ổn.

Hạ Nhiên thuyết phục. “Có tôi bảo đảm, nhất định hoạ sĩ Tuấn Anh sẽ không làm ông thất vọng.”

Vị chủ tịch lưỡng lự hồi lâu rồi gật đầu đồng ý với lời đề nghị của Hạ Nhiên.

Chiều tan tầm, phố đông nghẹt. Hạ Nhiên đi bộ đến bến xe buýt. Cô bỗng thấy nhớ nhà và những ý nghĩ về nơi phương xa mãi không dứt ra được. Cô nhớ những chiều hoàng hôn, trời xanh đậm, huyết sắc rực rỡ. Chim nhạn bay về đậu trên mái nhà tranh. Nhớ những buổi tối mưa rơi bên hiên, đập lên lan can bằng đá. Khi mưa tạnh, những con đom đóm tản mát, sáng rực một vùng. Nhớ những giọt nước mắt mẹ rơi trong đêm, về nỗi buồn cứ đeo đẳng và những ngày lam lũ ở quê nhà.

Trong khoảng thời gian chuẩn bị tổ chức triển lãm tranh cho Tuấn Anh, Hạ Nhiên và anh đã nhiều lần cãi cọ, sau đó họ nhanh chóng làm hoà. Cho đến bây giờ, Tuấn Anh vẫn còn đang ngờ ngợ, anh vẫn nghĩ là mình đang nằm mơ. Theo như lời của Hạ Nhiên thì anh phải vẽ thêm hai bức nữa, lấy cảm hứng từ bức tranh ban đầu về mẹ và con.

“Cô có chắc là được không đấy?” Anh hoạ sĩ nghi ngờ. “Làm thế nào mà ban lãnh đạo lại dễ dàng chấp nhận trong khi ông ta là người chê bai tranh của tôi?”

“Tôi nhận ra anh có điểm riêng biệt khi vẽ các bức về tình cảm gia đình. Mỗi hoạ sĩ có một màu sắc khác nhau và anh cũng thế.”

“Cuộc triển lãm này sẽ tốn khá nhiều thời gian quý báu của cô đấy.” Từ lúc bị cấp trên thẳng thừng chối từ nhiều lần, anh đã mất hết kỳ vọng vào tranh mình vẽ. “Cái gọi là danh tiếng kia, nói thực, tôi không còn tha thiết nữa.”

“Chẳng phải trước đây anh luôn tự tin về các tác phẩm của mình lắm sao?”

“Trước đây khác, bây giờ khác…”

Hạ Nhiên bắt đầu tức giận nhưng sau đó cô nhìn thấu trong thâm tâm Tuấn Anh rất mong chờ cuộc triển lãm này biết bao nhiêu. Chẳng qua là do anh thất bại quá nhiều lần nên đâm ra chán nản và thiếu tự tin. Nghề hoạ sĩ vốn rất bèo, có khi cả đời vẽ cũng không được ai biết đến, hoạ may nổi danh như Picasso mới có cái để đem khoe với thiên hạ.

Triển lãm diễn ra vào buổi ánh dương. Sương nắng sớm chan hoà. Đông đảo mọi người đến dự. Các hoạ sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư, tài hoa hay vô danh đều có mặt đông đủ. Họ đứng xúm xít chỗ bức tranh Mẹ và con, xì xầm bàn tán cho nhau nghe. Tuấn Anh đứng một góc, không nghe thấy họ nói gì, cũng chẳng biết là họ khen ngợi hay chê bai tranh của anh nữa.

Đến khi vị chủ tích cất tiếng, anh mới biết là buổi triển lãm thành công. Nhưng miệng anh cứng đơ, mắt cứ chớp liên hồi nhìn đoàn người ra vào không ngớt. Có lẽ anh vẫn còn chìm đắm trong giấc mơ, chưa tin những điều đang diễn ra trước mắt mình là sự thật. Hạ Nhiên bước đến, đánh khẽ vào tay anh, anh mới bừng tỉnh và cười sung sướng.

Ngày hôm sau, Hạ Nhiên rảnh rỗi mới có cơ hội đọc thư của fan hâm mộ. Cô ngồi bóc từng lá, vừa đọc vừa cười vu vơ. Đến bức thư được viết nguệch ngoạc, cô nhìn kỹ mới biết là gửi cho mình. Như linh cảm được điều gì bất an, cô vội vã bóc thư ra ngay. Tờ phiếu khám bệnh của mẹ cô khiến toàn thân cô run rẩy.

Hạ Nhiên đứng ngay dậy, bỏ chạy ra ngoài quên cả mặc áo khoác. Gió lành lạnh thổi tới. Mưa bụi thấm ướt áo. Cô chạy băng qua nhà thờ, qua những nẻo đường. Hương hoa lơ đãng vương trên vạt áo. Đến lúc tháng năm vắng lặng lụi tàn mới biết ta đã đánh mất điều quan trọng nhất trong cuộc đời.

Con người khác nhau ở tính cách nhưng giống nhau ở chỗ sau khi đã đánh mất đi điều quý giá rồi mới tự dày vò, dằn vặt bản thân. Nếu biết có ngày hôm nay thì lúc trước đừng tỏ ra hờ hững, vô tâm. Nhưng thời gian có bao giờ quay ngược trở lại và chúng ta có ai đoán trước tương lai.

Hạ Nhiên đi đến nhà ga thanh phố, mua vé. May mà còn sót lại tấm vé cuối cùng. Cô lên tàu ngồi, miệng không ngừng cầu nguyện. Mẹ ơi, chờ con nhé!

***

Ngọn gió hoang thổi bay bụi cùng cát. Sông núi lay động đan chéo kề cận trời mây.

Hơn một tuần rồi, người đàn bà vẫn nằm im thiêm thiếp trên giường. Mắt nhắm nghiền. Cơn đau hành hạ khiến bà ngất đi liên tiếp nhiều lần. Hơi thở cũng khó nhọc hơn. Dù ngày hay đêm thì Quân vẫn túc trực bên cạnh bà.  

Mặt trời chiều ngả về Tây. Gió đông bay qua cỏ, mây dài thẹn thùng. Quân đang ngồi làm bài tập chợt gác bút thắp đèn. Ánh lửa bừng lên soi sáng mọi ngõ ngách trong căn phòng ấm cúng.

Bà hấp háy mắt, khe khẽ thở. Một giọt lệ rơi ra rồi tiếp đó là những giọt lệ khác thi nhau trào ra khỏi khoé mi bà. Giọng bà nghẹn ngào. Thế là mẹ không gặp được con rồi. Bà khép chặt mí mắt, kể từ phút giây đó bà chìm hẳn vào giấc ngủ ngàn thu.

Còn Quân, thằng bé cứ ngồi co ro, nhìn chằm chằm vào người đàn bà vừa trút hơi thở cuối. Nó vẫn chưa nói được gì. Ngoài song cửa mưa nhỏ thành đêm tạnh. Sao rơi đầy trời, chiếu ánh bạc xuống con đường nhuộm màu sương trắng. Chuyện cũ rực rỡ cùng giấc mộng xưa đều trôi qua một cách lặng lẽ như thế.

Sáng sớm hôm sau, mọi người trong làng tổ chức đám tang cho bà. Trời hửng nắng. Khói bếp nhà ai vấn vương sợi nhỏ sợi to bên kia sông. Một con thuyền nhỏ dập dềnh theo sóng nước lăn tăn. Cúc vàng bầu bạn bên gió mát. Trên con đò rẽ sóng buổi sớm tinh mơ, ai đó đang hát khúc ca buồn não nề.

Đoàn người nối đuôi nhau tiến về phía nghĩa trang. Ai nấy đều lặng thinh. Quân bước đằng trước, cầm di ảnh của bà, đôi mắt đỏ hoe. Cứ như bà là người thân ruột thịt và duy nhất của nó vậy.

Tại nghĩa trang, người ta đã đào sẵn huyệt, họ đặt quan tài xuống rồi xúc từng xẻng đất, lấp lại. Cạnh nghĩa trang có những cây dương liễu mong mảnh đong đưa gọi gió về.

“Thật tội nghiệp.” Ai đó cất tiếng, giọng như oán than. “Bà ấy chỉ có một đứa con gái duy nhất, vậy mà ngày mẹ mình mất, cô ta không về thắp một nén nhang.” Mây cứ từng đám nối tiếp nhau. Áng mây dài hạ thấp dần trong hơi sương giá rét của buổi ban mai.

Hạ Nhiên trở về. Căn nhà trống hoác. Được một người kể rõ sự tình, cô chạy ngay ra nghĩa trang. Đúng lúc người dân về hết. Cô chỉ còn nhìn thấy tên mẹ mình được khắc trên tấm bia màu trắng đục. Cô quỳ gối, nước mắt lả chả rơi. Thềm mộ ướt lạnh. Lòng cô cũng xám xịt.

Cuộc đời này không có thuốc ‘hối hận’. Đợi mất đi người mà mình yêu thương nhất mới nhận ra vinh hoa phú quý chỉ là phù phiếm, có ân hận cũng đã muộn.

Sắc đêm lạnh lẽo. Phố trống trải. Trong căn phòng thơm mùi băng phiến ấy, Hạ Nhiên khóc suốt đêm mãi cho đến khi ánh nắng sáng ngời nhảy nhót ngoài ô cửa sổ, cô âm thầm rời làng quê, lên thành phố tiếp tục công việc dang dở. Cô đi mang theo lầm lỗi không thể nào tha thứ. Chẳng có ai ngoài mẹ cô xoa dịu nỗi đau trong tim cô hiện giờ và cũng chẳng có ai ngoài mẹ cô có thể mang lại tiếng cười cho cô như ngày hôm qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét