Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Hoa cúc nở đầy núi

                
                (Tác phẩm in chung sách 'Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy')

          Cuối năm lớp chín, mẹ tôi qua đời.
          Tôi còn nhớ năm ấy là vào mùa thu, hoa cúc nở rộ vàng rực dọc các con đường từ nhà tôi lên đến đỉnh núi. Ba tôi là thầy thuốc nhưng ông không chữa được bệnh cho mẹ. Vì lẽ này mà ông tự dằn vặt mình suốt cả mấy tháng trời. Ông còn có ý định sẽ từ bỏ nghề lương y và ở ẩn nhưng dân làng trong vùng không chấp nhận bởi vì ông là một thầy thuốc giỏi. Có người nói rằng. “Dù là bệnh nặng hay nhẹ chỉ cần uống thuốc do thầy Lương bốc đều khỏe lại ngay, da dẻ hồng hào như vừa được tái sinh.” Quả đúng là như thế.  Ai cũng công nhân ba tôi là một lương y có trách nhiệm. Tiếng lành đồn xa. Bà con trong làng ai có bệnh đều đến nhà tôi, nhờ ba tôi bắt mạch. Thế nhưng đối với mẹ tôi thì khác, dù mẹ uống bao nhiêu thang thuốc đi nữa, bà vẫn không qua khỏi. Thần chết đã muốn mang mẹ đi, thì dù có cố gắng thế nào cũng bằng thừa. Âu đó cũng là số phận của một con người.
          Kể từ khi mẹ mất đi, căn nhà trở nên trống trải. Hai cha con tôi nương tựa vào nhau mà sống. Những bữa cơm lặng lẽ, chẳng ai nói với ai tiếng nào. Có lúc tôi thấy ba ngồi trên tấm phản nhìn di ảnh của mẹ trên bàn thờ, khuôn mặt ông đờ đẫn. Mẹ là người phu nữ mà ba tôi yêu thương nhất, mất đi rồi hẳn trái tim ông rất đau. Tôi chẳng biết làm gì để an ủi ba dù chỉ một câu. Những lúc như vậy tôi lại lẳng lặng trở lại vô phòng, rấm rức khóc.
          Nhà tôi sống dưới chân núi, bốn bề núi rừng, cỏ cây xanh ngát. Mỗi độ thu sang, cúc lại nở. Sắc vàng trải dài khắp chân trời. Dù ngày nắng hay ngày mưa, lũ chim rừng vẫn hót véo von. Mây trắng như tuyết. Hai bên đường, hoa dại nở dầy. Mùi hương thoang thoảng. Những cánh hoa cúc nhỏ dập dìu trong gió. Nơi nào có hoa cỏ nơi đó có ong bướm lượn quanh. Làm sao mà phố núi nơi tôi ở lại tinh tế và đẹp huyền ảo đến như vậy. Tôi nhìn ngây ngất và rồi thốt lên ngỡ ngàng. “Thật kỳ diệu.”
          Đã bao lần tôi đi trên con đường mòn, đứng dưới bầu trời rợp đầy hoa cúc vàng óng, tâm trạng tôi đều bồi hồi khó tả. Hai năm rồi, mẹ tôi mất vừa tròn hai năm. Niềm hạnh phúc lẫn khổ đau cứ tưởng nguôi ngoai nay bỗng tái hiện như một cuốn phim chầm chậm quay. Lẽ ra những cảm xúc ấy nên ngủ yên trong quá khứ mới đúng chứ. Nhưng có một điều, tôi nhớ đến người mẹ quá cố…
          Một tối quá khuya, tôi học bài xong và xuống bếp tìm nước uống. Tôi thấy bóng dáng ba ngồi ngoài cửa sổ, trên bàn là chai rượu chỉ còn một nửa. Nhờ có ánh trăng chiếu vào tôi thấy rõ bờ vai ba run lên bần bật. Những giọt nước mắt khẽ rơi. Lần đầu tiên tôi thấy ba uống rượu và… khóc. Hai năm trước ba đã cố gắng đè nén những đau đớn trong lòng. Con người tuy mạnh mẽ đến đâu vẫn bất lực trước màn đêm vì đó là khoảng thời gian mà chúng ta sống thật với lòng mình.
Tôi  bước ra ngoài, ngồi cạnh ba. Đôi mắt ông đỏ ngầu. Khi ông đưa ly rượu lên môi, tôi cản lại. “Ba đừng uống nữa, dù ba có dày vò mình thế nào, mẹ cũng không sống lại đâu.”
“Ba tệ thật, bao nhiêu năm làm nghề thầy thuốc thế mà bệnh của mẹ con, ba lại không chữa được. Ba không xứng đáng với danh xưng ‘lương y bậc nhất’.”
Tôi ôm chầm lấy ba, giọng nghẹn nước. “Không đâu, trong mắt con ba luôn là một người thầy thuốc xuất sắc. Chuyện của mẹ đã qua lâu rồi, không nên nhắc lại nữa. Tuy mẹ không còn nhưng mẹ vẫn sống trong tim chúng ta. Mẹ vẫn sống, ba nhìn đi, mẹ đang cười kìa.” Tôi chỉ tay vào khung ảnh của mẹ, cố gắng lấy giọng cứng rắn để nói.
Ba tôi lặng im. Ông thừ người, bàn tay ông nới lỏng bình rượu. Đôi mắt già nua hướng về phía xa xăm.
Sau lần ba tôi ‘mượn rượu giải sầu’, ông chú tâm vào công việc của mình hơn. Ông làm việc cẩn thận, chưa bao giờ để sai sót. Người dân quanh vùng đều tin ông, có một số người lần đầu nghe danh ông, không ngần ngại mà đem con cái mình có bệnh đến chỗ ông. Tuy ba tôi không lấy tiền nhưng mọi người vẫn tới tận nhà biếu chúng tôi lương khô, rau củ. Nhờ những thứ quà tặng ấy, chúng tôi sống qua từng ngày.
***
“Hôm nay là ngày giỗ của mẹ, hồi mẹ còn sống mẹ rất thích hoa cúc, bây giờ con đi hái một ít hoa cúc đem về để lên bàn thờ mẹ, ba nhé!” Tôi vừa nói với ba vừa xỏ đôi giày đi rừng cao gần đến tận gối. Đôi giày này sẽ giúp tôi thoát khỏi đám côn trùng lẫn trong cát hoặc trong các bụi cây, kẽ đá.
“Sẵn tiện con hái giùm ba một vài lá tầm xuân và kỷ tử, hôm qua ba đi mà lại quên hái.”  Ba tôi đưa ra hình dạng của quả kỷ tử, nói.
Tôi nhìn lên tủ đựng thuốc của ông. “Hình như cỏ xước hết rồi phải không ba?”
Ông lại vỗ trán. “Đúng rồi, con không nhắc ba cũng quên mất.”
Tôi mang giỏ thuốc lên vai, ra khỏi cổng và đi về hướng Đông. Gió chiều lướt thướt. Mùi hương của các loài hoa tỏa ra chung quanh. Nhờ vậy mà tâm trạng tôi thoải mái hơn nhiều. Bầu trời trải rộng trên đỉnh đầu, xanh ngắt. Mùa thu không có lấy một tia nắng. Đi hết con đường này là vào trong rừng. Những ngọn trúc cao ngất, xen kẽ là tùng bách, bạch dương. Tán lá xòe rộng che khuất cả bầu trời. Vừa thấy tôi chim chóc cất cao tiếng hót. Tôi sống ở đây, mỗi ngày vào rừng hái thuốc không biết bao nhiêu lần đến nỗi trở thành người bạn quen thuộc của sóc nâu và thỏ trắng. Có chúng ở cạnh, tôi đỡ cô độc hơn. Vừa hái tôi vừa kể chuyện cho chúng nghe, chẳng mấy chốc giỏ thuốc dâng đầy.
Trên núi mặt trời sụp xuống rất nhanh. Ráng chiều đỏ rực một góc đằng xa. Tôi bỗng nhớ đến mình vẫn chưa hái cho ba cỏ xước nên tôi tiến sâu vào rừng hơn. Loài cỏ này có hình dạng đặc biệt thân mảnh, hơi vuông. Lá mọc đối, có cuống, phiến lá hình trứng nên rất dễ tìm. Tôi không khó khăn nhận ra chúng mọc trong những bụi cây rậm rạp. Hái đủ số lượng, tôi định quay gót ra về, bỗng nhiên bàn chân cứng đơ, chẳng nhúc nhích được cứ như có ai giữ chân tôi lại vậy. Tôi nhìn xuống và thét lên một tiếng long trời lở đất khiến cho những chú chim đang đậu trên nhánh cây rỉa lông phải giật mình rơi phịch xuống đất. Sau dần thấy không nguy hại gì đến mình, mắt tôi mở tròn xoe vào người đàn ông đang nằm dưới đất, máu me đầy mình, trên cổ treo chiếc máy ảnh mini. Tôi chỉ nghe thấy mấy tiếng nói trong hơi thở gấp gáp từ người đàn ông kia. “Cứu tôi…” rồi ngất lịm. Tôi cúi người, rụt rè đưa tay ngang mũi anh. May quá, hơi thở vẫn đồng đều. Với những người hành nghề y như chúng tôi, gặp trường hợp như thế này thì chỉ có một ý nghĩ duy nhất lóe lên trong đầu: phải cứu sống người đó. Để cõng anh rời khỏi khu rừng và trở về nhà an toàn đối với tôi đó là một việc khó nhọc vô cùng.
Tôi dùng khăn thấm nước lau bụi bẩn trên mặt người đàn ông nọ. Vệt cát không còn, tôi nhận ra anh ấy còn rất trẻ. Khuôn mặt tuấn tú với hàng mi cong vút. Từng đường nét đều hoàn mỹ đến khó tin. Tôi say sưa ngắm nhìn. Ba tôi bước vào, khẽ hắng giọng. Tôi sực tỉnh. Bắt gặp nụ cười bí hiểm của ba, tôi đánh trống lảng. “Anh ấy có tỉnh lại không ba?”
“Con cứ yên tâm, cậu ta không sao đâu, chỉ là vết thương hơi nặng một chút thôi. Có lẽ cần phải nghỉ dưỡng vài ngày.” Ba đặt vào tay tôi thang thuốc. “Khi cậu ấy tỉnh dậy, con hãy sắc thuốc cho cậu ấy uống.”
“Dạ.” Tôi cầm lấy thang thuốc, nghiêng đầu nhìn người nằm trên giường. Anh bị vố số vết thương ở phần lưng, bụng và một nhát ngực nhưng chưa đi thẳng vào tim. Có lẽ anh đụng độ bọn lâm tặc và ẩu đả còn nguyên do là gì thì tôi không đoán được. Nhìn cách ăn mặc của anh, tôi nghĩ anh từ nơi khác đến.
Anh mê man hai ngày liên tiếp sang ngày thứ ba, anh mở mắt nhưng vẫn chưa nhận thức được điều gì. Uống bốn lần thuốc, một tuần sau anh hoàn toàn bình phục. Khi ba tôi hỏi vì sao anh lại xuất hiện giữa chốn rừng núi và còn bị thương. Anh kể mình là sinh viên năm cuối đến từ Sài Gòn, một thành phố nhộn nhịp và náo nhiệt. Anh đi tìm tài liệu cho luận án tốt nghiệp. “Đồ án của cháu là bộ sưu tập về miền núi hoang vu nhưng không kém phần tinh túy và lãng mạn nếu có hoa cỏ thì càng tốt. Bạn bè của cháu chọn đồng bằng hay miền biển, nếu cháu cũng chọn như vậy thì rất dễ xảy ra tình trạng trùng lặp nên cháu đã chọn phố núi. Không may cháu gặp bọn sơn tặc, chúng cướp túi xách và còn đánh cháu trọng thương. Chiếc máy ảnh…” Đang nói anh chợt la lên. “Đúng rồi, chính vì bảo vệ chiếc máy ảnh đó nên cháu mới bị bọn chúng đâm…”
Tôi chạy vào phòng đem ra chiếc máy ảnh loại xịn, đưa cho anh. Bề mặt kính có một vết xước nhỏ nhưng không đáng kể. Anh mở ra xem và thở phào nhẹ nhõm. “May quá, tư liệu vẫn còn.”
***
Phong ở lại nhà tôi thêm vài ngày nữa, chờ cho vết thương lành hẳn và hoàn thành đồ án. Sau giờ học, tôi ghé qua siêu thị nhỏ trên huyện mua thêm ít đồ để dự trữ dùng trong hai tháng và đi đường tắt về nhà. Tôi thay nước trong chiếc tách ở bàn thờ mẹ, nấu bữa ăn trưa trong gian bếp nhỏ hẹp. Thường ngày chỉ có hai cha con, tôi nấu đơn giản nay có thêm Phong nên tôi nấu thịnh soạn một chút. Bệnh nhân của ba còn những bốn người. Phong đứng bên cửa sổ lau máy ảnh. Tôi ngắm trộm anh qua chiếc lỗ nhỏ ở ngách cửa. Chiếc áo khoác làm bằng da thú màu be dài quá gối làm anh tăng thêm phần lịch lãm và chững chạc. Cả bàn tay kia nữa, những ngón tay thon dài mà rắn chắc. Từ sau khi quen biết anh, tôi cứ hay mơ những giấc mơ lạ kỳ. Tôi mơ thấy mình gối đầu lên tay anh nằm trên cánh đồng hoa vàng ươm với những tia sáng dịu êm. Nắng chan hòa rũ mình xuống những ngọn cỏ còn ướt sương. Lần nào cũng là giấc mơ đó, không đổi khác. Tôi nghĩ tôi đã phải lòng anh-chàng trai xa lạ-mất rồi. Ôi, mình đang nghĩ gì vậy. Tôi lấy hai tay vỗ vào má mình cho tỉnh táo.
Cơm canh được dọn lên. Ba tôi khám xong. Tôi mời họ vào dùng cơm. Chúng tôi trò chuyện với nhau thân thiết và tự nhiên như những người quen lâu ngày gặp lại. Ba tôi có vẻ quý mến anh, liên tục gắp thức ăn cho anh. Anh khen cơm tôi nấu ngon.
Đột nhiên anh buột miệng. “Gia đình mình chỉ có hai cha con thôi sao ạ?”
“Mẹ con bé mất cách đây hai năm.” Ba tôi buồn rầu nói.
“Cháu xin lỗi, cháu không nên hỏi vậy.” Rồi anh chuyển đề tài. “Em học lớp mấy rồi?”
“Mười một ạ!” Tôi đáp.
“Chắc chú và em chưa lên thành phố bao giờ, Sài Gòn rộng lớn lắm và cũng phức tạp…”
Thật lòng tôi muốn nghe anh kể về những ngọn đèn sáng chói ở chốn  Sài Gòn hoa lệ nhưng bữa cơm kết thúc nhanh quá. Tôi dọn dẹp và rửa chén bát. Sau đó ngồi vào bàn học bài. Phong ló đầu qua ô cửa sổ, gõ tay lên bàn tôi. “Chúng ta vào rừng chơi một chút nhé, anh cần chụp về những cây cổ thụ và cần một người dẫn đường.”
“Được ạ!” Tôi nói không cần nghĩ suy.
“Còn việc học của em?”
“Không sao, tối về học cũng chưa muộn.” Tôi gập sách vở lại.
Đường lên núi đầy gió, ngập tràn không khí mùa thu. Chúng tôi đi tới đâu, hoa dại rung rinh, vẫy chào tới đó. Đi tiếp chừng mười phút, chúng tôi vào trong rừng. Những cây trúc cao ngất như những tòa cao ốc trên thành phố mọc rải rác. Những thân cây cổ thụ cao lớn, không biết chúng có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi tôi sinh ra đã thấy chúng đứng sừng sững giữa trời. Ánh chiều tà len qua vòm lá, vương vãi khắp mặt đất. Phong đưa máy ảnh lên chụp ở mọi góc độ. Tiếng ‘tách tách’ vang vọng cả núi rừng. Gió thổi rì rào, mát tận tâm can. Nhìn chung quanh toàn một màu xanh biếc. Tôi đi trước, anh bước theo sau. Chúng tôi len lỏi qua những bụi trinh nữ. Chợt, anh vỗ nhẹ vai tôi. Tôi quay người lại, chưa kịp phản ứng gì thì một cành hoa màu tím cài trên tóc tôi. Anh nhoẻn cười. Tôi thẹn thùng, cúi nhìn xuống đất nhưng trong lòng dâng lên niềm hoan hỉ.
Chụp chán, chúng tôi nằm cạnh nhau, đầu gối lên tay, ngắm nhìn những đám mây qua kẽ lá trải dài trên bầu trời xanh ngút mắt. Cảnh tượng này thật giống trong mơ, chỉ khác một điều chúng tôi đang nằm trong rừng. Lá khô rụng xào xạc. Anh bỗng cất tiếng. “Bộ sưu tập mà anh đang làm sắp sửa hoàn thành với tên gọi là Thăm thẳm rừng xanh nhưng anh vẫn cảm thấy còn thiếu một điều gì đó…”
“Đó là điều gì ạ?” Tôi hỏi.
Anh lắc đầu. “Anh cũng không biết nữa.”
Một con sóc đuôi đỏ từ trong bụi rậm phóng tới và nằm cạnh tôi. Bật dậy, tôi ẵm chú sóc lên, vuốt ve cái mũi của nó. Tôi lẩm bẩm, sóc nhảy lên cào nhẹ vào tay tôi.
“Nó hiểu em nói gì sao?” Anh ngạc nhiên hỏi tôi.
“Phải, vì nó là bạn em mà. Còn có sóc nâu và thỏ trắng, kể cả vành khuyên nữa.” Tôi nhìn lên tán cây có một chú chim đang đậu. “Em không biết nó có phải là vành khuyên không nữa, sơn ca hay họa mi gì đó.”
“Bạn em dễ thương thật đấy.”
Đầu thu, không khí vùng núi thật dễ chịu và mát mẻ. Có tiếng động phát ra từ đám cỏ um tùm phía trước. Sóc đuôi đỏ hoảng quá chạy biến vào rừng sâu. Ở đây không có thú dữ,tiếng động vừa rồi chắc hẳn là nai con hoặc chồn. Xen kẽ giữa những âm thanh xao động đó là giọng kể trầm ấm của anh như tiếng gió lao xao lùa qua các nhánh  dương liễu.
“Thanh bình quá, ở thành phố lúc nào cũng nghe tiếng còi xe, khói bụi, đi đến đâu cũng đều mở nhạc xập xình. Chuyến đi lần này không chỉ giúp anh mở mang kiến thức mà còn khuây khỏa tâm hồn. Ước gì anh có thể sống ở đây.”
“Có thể. Nếu anh muốn.” Tôi khẽ thì thầm, hy vọng anh không nghe thấy.
“Em biết về truyền thuyết cỏ ba lá chứ?”
“Dạ, đó là loại cỏ tượng trưng cho sự may mắn, hy vọng và niềm vui nếu ai có được. Có rất nhiều sự tích về cỏ ba lá nhưng nó đều mang một ý nghĩa chung là đem đến hạnh phúc cho con người.”
“Ai cũng khao khát tìm kiếm cỏ ba lá để được hạnh phúc dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi nhưng số lượng người có được chỉ đếm trên đầu ngón tay vì cỏ ba la biết tránh xa những kẻ tham lam, xấu xa và ích kỷ. Thật ra nếu tìm được nhành cỏ bốn lá mới thật sự hạnh phúc, hạnh phúc vĩnh viễn.”
Mắt tôi chợt lóe sáng. “Anh, hay là chúng ta tìm thử đi, biết đâu may mắn sẽ tới.”
“Được thôi.”
Chúng tôi đi loanh quanh trong các bụi cỏ, tìm hoài tìm mãi vẫn không thấy cỏ bốn lá, chỉ thấy từng giọt mưa đang rơi xuống từ trên trời cao. Chúng tôi tìm chỗ trú ẩn. Mưa không ào ạt nhưng trắng xóa cả khu rừng. Tán lá trên đầu không che được mưa xuyên qua. Tôi run cầm cập. Thấy vậy, anh cởi áo khoác khoác lên người tôi còn anh chịu mưa ướt. Tôi cảm thấy áy náy nhưng anh thì không bận tâm đến điều đó. Có vẻ như anh rất thích cơn mưa này. Không tìm thấy cỏ bốn lá không có nghĩa chúng tôi là những kẻ tham lam, xấu tính, chỉ là chúng tôi không có duyên may với nó. Nhưng chúng tôi đã có duyên gặp gỡ nhau. Đó là một hạnh phúc, chí ít là với riêng tôi. Và tôi không cần nhiều hơn thế.
Mưa tạnh. Chúng tôi tìm đường xuống núi. Ánh tịch dương hiện ra phía chân trời. Vừa về đến cổng, bóng tối bao phủ. Vì ba tôi là thầy thuốc nên trong nhà lúc nào cũng có người ra kẻ vào tấp nập. Một người phụ nữ đứng tuổi, bước ngang qua tôi và nói. “Bạn trai cháu à?”
“Không phải thế đâu ạ!” Tôi ấp úng phân bua vì lúc này tôi không xác định được tình cảm trong anh là gì hay chỉ là một người có công đã cứu thoát anh khỏi bờ vực thẳm. Tôi không muốn anh phải khó xử nhưng tôi nói chẳng có ai chịu tin. Họ còn cười với tôi bằng những nụ cười đầy ẩn ý. Liếc sang anh, tôi chạm phải ánh nhìn tha thiết của anh.
Trong bữa cơm tối, Phong đột ngột thông báo nếu không tìm được điều thiếu sót trong bộ sưu tập của mình thì anh sẽ đi khỏi vào ngày mốt. Ba tôi chỉ nói “Vậy à”, không giữ anh ở lại tịnh dưỡng thêm vài ngày nữa. Từ lúc anh hồi phục, tôi cũng có nghĩ đến việc xa cách nhưng lại không nghĩ đến việc đó lại xảy ra ngay vào thời điểm tôi đang sống trong niềm hân hoan, vui sướng của mối tình đầu mới chớm.
Tôi buột miệng rất nhanh ngay cả khi lời nói còn chưa chuẩn bị sẵn ở bờ môi. “Anh hãy ở lại đến giữa thu em sẽ cho anh thấy điều này, được không ạ?” Nói rồi tôi mới biết mình thật vô duyên. Người ta muốn đi, mình lấy quyền gì để cản? Thật xấu hổ, tôi chỉ muốn tìm khe nứt để chui xuống.
Ba tôi và anh, sau khi mở to mắt về lời đề nghị gan dạ của tôi, họ bỗng phá lên cười. Anh nói. “Được thôi, anh cũng phải lòng nơi này mất rồi.”
Tôi không biết nên hiểu câu nói ấy theo nghĩa gì. Nhưng thôi, anh đã quyết định ở lại dù là thêm một ngày đồng nghĩa với việc tôi được gần gũi anh thêm một ngày. Tôi chỉ muốn cho anh chiêm ngưỡng cánh đồng hoa vàng ươm trên núi vào giữa tháng tám rồi sau đó chúng tôi phân ly, tôi cũng không hối tiếc. Vì vốn dĩ nơi anh thuộc về chính là những tòa cao tầng, những khu mua sắm hạng nhất. Rồi mai đây, phố núi êm đềm chỉ còn lại trong ký ức của anh mà thôi. Vậy nên, hạnh phúc được ngày nào hãy trân trọng ngày nấy.
***
Sau trận mưa dữ dội và cát xoáy đêm qua, nhà cửa tan hoang. Nạn đói xảy ra. Người dân không còn thu hoạch được gì nữa. Một chỏm núi phía Đông sạt lở bịt kín con đường lên núi. Một sáng lên huyện mua gạo, tôi mới hay giá gạo tăng vùn vụt. Vì không mang đủ tiền nên tôi chỉ có thể mua sắn và khoai lang. Tôi nghe mọi người bàn tán xôn xao.
“Xưa nay ở quê chúng ta làm gì có cát xoáy hay sạt lở đất.”
“Vùng núi hay xảy ra sạt lở do mưa bão là chuyện bình thường.”
“Tai ương do trời làm thật khó tránh khỏi.”
Tôi lặng im nhìn về phía cánh rừng, nơi đong đầy những hình ảnh giữa tôi và Phong, lòng dâng lên niềm chua xót. Không biết các bạn nhỏ của tôi giờ ra sao.
Nhà ở huyện hay thị trấn thì không vấn đề gì nhưng những người sống dưới chân núi như chúng tôi bị ảnh hưởng bởi thiên tai là điều hiển nhiên. Bây giờ việc quan trọng và cấp bách nhất hiện nay là thực phẩm. Con đường duy nhất để vào thị trấn bị lõm một mảng khá lớn, sỏi đá gồ ghề. Chúng tôi họp với nhau và quyết định đi đến kết luận sẽ trồng rau thay vì ra chợ mua hoa quả.
Tôi và Phong bắt tay vào dọn dẹp khoảnh sân bên hông nhà, nhặt những viên sỏi ném về phía sườn núi. Chúng tôi mất vài ngày để làm đất. Sau khi san phẳng, trộn phân bón vào đất, tạo luống ngay hàng thẳng lối, Phong bắt đầu gieo những hạt giống xuống, rắc đều, phủ lên đó một lớp đất mỏng. Chúng tôi thay phiên nhau tưới nước mỗi buổi sáng, vừa tưới vừa nói chuyện.
“Xin lỗi, tại em bảo anh ở lại nên mới liên lụy đến anh.”
Phong cười xòa, dùng tay quệt mồ hôi trán. “Có gì đâu, anh phải cảm ơn em mới đúng. Từ nhỏ anh đã quen sống trong nhung lụa giờ mới hiểu thế nào là vất vả nhưng anh lại cảm thấy vui vì điều đó. Sống trong gian nan để hiểu sâu hơn những điều thuần túy mà cuộc đời mang lại.”
Vài ngày trôi qua, hạt bắt đầu nhú mầm. Nhìn cả thửa ruộng xanh mát, chúng tôi ai nấy đều vui mừng. Lần đầu tiên trồng trọt không ngờ lại thành công ngoài dự tính. Nhưng chúng tôi đã quá chủ quan, qua ngày hôm sau ruộng rau bỗng héo đi vàng úa, không còn một chiếc lá nào xanh cả.
Trong khi tôi ủ rũ nhìn những lá cây héo khô thì Phong đứng bên cạnh lẩm nhẩm. “Có lẽ nào chúng ta tính toán sai lượng phân bón…”
Tôi dành cả đêm để nghiên cứu lại cách trồng rau như trong sách viết và tìm ra được nguyên nhân do đất đào chưa sâu, chưa tơi xốp và bón phân không cân đối là nguyên nhân cuối cùng. Chúng tôi làm lại từ đầu, cẩn thận và bón phân đúng liều lượng. Mấy tuần sau cải bắp và cần tây nảy mầm. Ruộng rau ngày càng tươi tốt. Tôi thu hoạch, chế biến tùy theo ý thích. Cuộc sống khó khăn dần qua đi.
Một sáng ban mai thức dậy, tôi vừa mở cửa sổ, không khỏi ngỡ ngàng khi cúc nở đầy ngọn núi phía Đông. Tôi vào phòng đánh thức Phong dậy, sau đó chúng tôi mặc thêm áo ấm vì sáng sớm trên núi khá lạnh. Đường lên núi rất khó đi vì mấy tháng trước xảy ra vụ sạt lở đất nhưng sắc vàng của hoa khiến tâm trạng tôi phấn chấn hẳn lên, bước đi cũng nhanh hơn.
Khi chúng tôi leo được đến đỉnh núi, đứng giữa cánh đồng hoa vàng rực,  nắng cũng bắt đầu nhảy nhót, chiếu sáng trên từng cánh hoa. Bao mệt nhọc dường như tan biến. Phong khẽ reo vui. “Đây là điều mà anh cần bổ sung vào đề án. Hoa cúc nở đầy núi.” Và anh chụp rất nhiều bức ảnh về cúc. Nụ cười rạng rỡ của anh giúp tôi tháo buộc những nút thắt thầm kín trong lòng: dù ngày mai có ra sao, trái tim này nguyện theo anh đến cùng trời cuối đất.
Chúng tôi ngồi tựa vai nhau. Nắng ấm tràn khắp người. Bất giác, anh choàng tay qua vai tôi, nhìn tôi chan chứa yêu thương. Anh ghé sát tai tôi thì thầm. Cơn gió mạnh thổi tới làm tôi không nghe rõ anh muốn nói gì. Có lẽ đó là một lời thương hoặc một lời hẹn rằng chúng tôi sẽ lại trùng phùng, ở đâu đó trên thế gian này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét